Hệ sinh thái rừng tự nhiên chủ yếu ở Việt Nam/Rừng ngập mặn/Khai thác hợp lý và sử dụng bền vững

Tủ sách mở Wikibooks

Nguyên lí chung cho việc sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng nói chung và hệ sinh thái rừng ngập mặn nói riêng là phải bảo đảm tính ổn định của hệ sinh thái. Sự cân bằng giữa thành phần thực vật và động vật trong hệ sinh thái giữ vai trò quyết định cho sự tồn tại và phát triển lâu dài của rừng ngập mặn. Mối quan hệ hữu cơ này nương tựa lẫn nhau và làm tiền đề cho nhau phát triển. Phá rừng ngập mặn để nuôi tôm là làm trái với quy luật của tự nhiên. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, phải kết hợp hài hoà các lợi ích giữa lâm nghiệp, hải sản và các lợi ích khác, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.

Kinh doanh rừng ngập mặn cần phải đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:

  • Bảo vệ, phát triển và khai thác gỗ hợp lí.
  • Bảo vệ nghiêm ngặt rừng ngập mặn hiện có.
  • Phòng chống cháy rừng.
  • Quy hoạch trồng phục hồi lại rừng đã bị phá nuôi tôm.
  • Khai thác rừng ngập mặn đúng theo quy trình kĩ thuật đã quy định.
  • Bảo vệ, phát triển và khai thác hợp lí tài nguyên thuỷ sản.
  • Bảo vệ và nuôi trồng phát triển những thuỷ sản có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu trên cơ sở duy trì được tính ổn định của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
  • Bảo vệ, phát triển và khai thác hợp lí những lâm sản ngoài gỗ.
Rừng ngập mặn có rất nhiều lâm sản ngoài gỗ có giá trị. Bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn tài nguyên này rất phù hợp kinh tế hộ gia đình góp phần xoá đói giảm nghèo và có khả năng làm giàu.
  • Bảo đảm tái sinh tự nhiên và diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đây là biện pháp kinh tế nhất và phù hợp với tiềm năng tự nhiên của rừng ngập mặn. Biện pháp này có tính khả thi cao và nhiều khả năng thành công.
  • Bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
  • Thành lập các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, sân chim, rừng cấm,... để bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái.