Bước tới nội dung

Sinh học lớp 10/Sự sống

Tủ sách mở Wikibooks

Khoa học nghiên cứu về sự sống

[sửa]

Chào mừng các bạn đến với môn Sinh học!

Các bạn có bao giờ thắc mắc vì sao chim có thể bay cao lên trời, cá có thể lặn sâu xuống biển, trong khi con người, nếu không sử dụng những phương tiện đặc biệt, không thể làm được những điều đó? Ngược lại, tại sao những con người như bạn lại có khả năng giải được những bài toán phức tạp, có khả năng sáng chế ra những phát minh kỳ diệu, có cảm xúc yêu, ghét, vui, buồn? Liệu các loài vật xung quanh ta, ở một mức độ nào đó, có thể thực hiện được những điều tương tự không? Vì sao chúng ta và các loại sinh vật khác được sinh ra với những hình thể và khả năng nhất định như chúng ta nhận biết hiện nay

Tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đó chính là nhiệm vụ của bộ môn Sinh học. Để đạt được mục đích, ngoài sự quan sát và thử nghiệm kiên trì, các nhà sinh vật học còn phải sử dụng kiến thức và kỹ năng từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Hóa học tạo nền tảng cho việc nghiên cứu các hợp chất hữu cơ cơ bản cho sự sống. Vật lý giải thích nhiều cơ chế vận động của các cơ quan. Toán học là một trong những công cụ hữu ích giúp các nhà nghiên cứu tìm ra những quy luật và xây dựng những mô hình. Sự ra đời của máy điện toán và Internet là một bước ngoặc lớn cho cả ngành Sinh học. Công nghệ thông tin tạo điều kiện cho các nhà sinh vật học trên toàn thế giới sao lưu và tra cứu một khối lượng thông tin khổng lồ và đa dạng. Ngoài ra, cá bộ môn như Địa lý, Địa chất, Nhân chủng học ... đều có những đóng góp quan trọng trong rất nhiều những nghiên cứu Sinh học khác nhau. Vì vậy, Sinh học không thể được học hay nghiên cứu tách rời với các bộ môn khác.

Hai nhà khoa học James D. Watson và Francis Crick đã dùng những kiến thức hóa học để khám phá ra cấu trúc đúng của DNA

Sinh học là một bộ môn mà phạm vi nghiên cứu quá rộng lớn (từ những phân tử rất nhỏ không thể nhìn thấy ngay cả qua kính hiển vi quang học cho đến những hệ sinh thái với vô số các loài sinh vật khác nhau). Mỗi nghiên cứu thường chỉ tập trung đi sâu vào một khía cạnh rất nhỏ của Sinh học. Điều này tạo ra các phân môn của Sinh học như Sinh học phân tử (nghiên cứu về các phân tử vật chất của sự sống như proteins hay nucleic acids), Sinh hóa (nghiên cứu sâu vào các phản ứng hóa học của cơ thể),Sinh học tế bào (tìm hiểu về cấu trúc, hoạt động của các tế bào và những bệnh liên quan), Di truyền học (trả lời các câu hỏi về giống và di truyền), Cơ thể học... và rất nhiều phân môn khác. Tuy nhiên, tất cả các phân môn này đều liên quan hết sức chặt chẽ với nhau. Lằn ranh giữa các phân môn cũng không rõ ràng. Những nhà khoa học nghiên cứu về bệnh ung thư luôn cần rất nhiều thông tin về cấu trúc và hoạt động của tế bào cũng như các cơ chế di truyền để có thể biến kết quả những cuộc nghiên cứu của họ thành những thành tựu hữu ích cho đời sống nhân loại.

Ở chương trình Sinh học ở phổ thông, ngoài những kiến thức tổng quát của tất cả các phân ngành nghiên cứu, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, những giá trị và góc nhìn mới của Sinh học đối với thế giới tự nhiên. Trong chương này, bạn sẽ bắt đầu cuộc hành trình bằng việc tìm hiểu về phương pháp nghiên cứu được áp dụng trong Sinh học, cũng như các khái niệm cơ bản nhất của sự sống. Sau đó, bạn sẽ được giới thiệu về những nguyên liệu vật chất tạo nên sinh vật. Tiếp đến là chuyến thám hiểm vào thế giới đa dạng của sinh vật, từ những vi khuẩn và siêu vi khuẩn cho đến loài người. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét đến sự liên hệ giữa các loài sinh vật với nhau và với môi trường chúng sinh sống. Trong suốt quá trình học và nghiên cứu, chúng tôi hi vọng bạn sẽ không chỉ tiếp thu những kiến thức và khái niệm mà còn có dịp thưởng thức vẻ đẹp trong suy nghĩ của Sinh học. Yêu thích thế giới tự nhiên và trân trọng sự sống chính là chìa khóa để học tốt bộ môn này.