Sách tôn giáo/Ấn Độ giáo/Ấn giáo thời Văn minh lưu vực sông Ấn Độ

Tủ sách mở Wikibooks
Lưu vực sông Ấn Độ với hai trung tâm Mohenjodaro và Harappa, thuộc Pakistan hiện nay

Lưu vực sông Ấn Độ với hai trung tâm Mohenjodaro và Harappa, thuộc Pakistan hiện nay

Tôn giáo thời Văn minh lưu vực sông Ấn Độ (hưng thịnh khoảng 2300-1750 TCN) chỉ có thể được dựng lại một cách khiếm khuyết từ các công trình khảo cổ. Nhìn chung thì các cách diễn giảng những di tích này đều nhất trí ở điểm là những thành phần của nền văn hoá Indus vẫn tiếp tục tồn tại và có phần được hấp thụ bởi những tôn giáo cổ điển khác của Ấn Độ.

Các hình tượng trên những con ấn bằng đá steatite (talc) ở những nơi như Mohenjodaro, Harappa và những khu định cư khác cho thấy những vị thần cây, được các nhà nghiên cứu xem là tiền thân của các loài La-sát và La-sát nữ sau này. Một hình Thần thể trong tư thế ngồi của một hành giả Du-già cho thấy là có thể nguồn gốc của Du-già bắt đầu từ thời văn minh Indus.

Người ta cũng tìm thấy một Thần thể ngồi giữa đám thú, được xem là Thú chủ, "chúa tể loài cầm thú" và - có thể là sai - tiền thân của thần Thấp-bà. Hình tượng được xem là dương vật dựng đứng của Thấp-bà có lẽ chỉ là một sợi thắt lưng lỏng và vì những thần thể này mang trang vật trên cánh tay nên các nhà khảo cổ chưa xác định được đây là hình tượng nam hay nữ. Tắm rửa theo nghi lễ giữ một vai trò quan trọng vì có nhiều dấu tích của những nhà tắm trang trọng được xây rất công phu (có thể được hấp thụ bởi các nhánh tôn giáo Ấn Độ sau này dưới dạng cái ao ở đền thờ).

Tuy nhiên, người ta không tìm thấy dấu tích của một ngôi đền thờ nào. Việc diễn giảng những vòng đá như dương vật Thấp-bà và âm hộ (nền của các vòng đá) và các tượng phụ nữ bằng đất nung như các vị Thiên mẫu vẫn là những phỏng đoán.