Sách Y Học/Đông y/Học thuyết Đông y/Học thuyết cơ thể con người

Tủ sách mở Wikibooks

Bên cạnh Âm Dương, Ngũ Hành, cơ sở lý luận Đông y còn bao gồm: học thuyết Thiên Nhân hợp nhất, học thuyết kinh lạc, bát cương, học thuyết tạng tượng. Mặc dầu tạng tượng học Đông y có nhiều điểm tương đồng với giải phẫu và sinh lý học Tây y, các từ Hán-Việt dùng để chỉ các tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận), phủ (vị, đởm, tam tiêu, bàng quang, tiểu trường, đại trường) trong Đông y không đồng nhất với các từ chỉ các cơ quan theo giải phẫu học Tây y (tim, gan, lách, phổi, cật; dạ dày, mật v.v.). Bởi lẽ Đông y có một hệ thống lý luận khác, theo đó, việc chia tách cơ thể thành các bộ phận khác nhau một cách rạch ròi chỉ là khiên cưỡng, do cơ thể là một thể thống nhất.

Trái ngược với văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông coi trọng "cân bằng" và "điều hòa". "Trung dung" - tức cân bằng giữa hai thái cực, được người xưa tôn vinh là tiêu chuẩn tối cao trong triết lý tu thân của bậc quân tử. Trong quan hệ với thiên nhiên, phương Đông không chủ trương chế phục mà hướng tới sự hòa hợp – "thiên nhân hợp nhất". Trong quan hệ giữa người với người, từ ngàn năm xưa "dĩ hòa vi quý" đã trở thành phương châm xử thế cơ bản. Đặc tính văn hóa đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới quan niệm và phương pháp chữa bệnh của Đông y học. Về bệnh tật, Đông y quan niệm mọi thứ đều do "âm dương thất điều" - mất sự cân bằng và trung dung gây nên. Để chữa trị bệnh tật, Đông y sử dụng 8 biện pháp cơ bản - "hãn" (làm ra mồ hôi), "thổ" (gây nôn), "hạ" (thông đại tiện), "hòa" (hòa giải), "ôn" (làm ấm), "thanh" (làm mát), "tiêu" (tiêu thức ăn tích trệ), "bổ" (bồi bổ) để khôi phục cân bằng chỉnh thể, hóa giải mâu thuẫn giữa "chính khí" (sức chống bệnh) và "tà khí" (tác nhân gây bệnh). Trong 8 phép đó, không có biện pháp nào mang tính đối kháng, tấn công trực diện vào "bệnh tà" như trong Tây y.

Đặc biệt để thực hiện việc hóa giải có hiệu quả nhất, Đông y chủ trương "trị vị bệnh" (chữa từ khi bệnh chưa hình thành). 2000 năm trước, Nội kinh - bộ sách kinh điển của Đông y đã viết: Bậc thánh y không chờ khi bệnh hình thành rồi mới chữa trị, mà chữa từ khi chưa phát bệnh. Bệnh đã hình thành mới dùng thuốc, xã hội đã rối loạn mới lo chấn chỉnh, khác gì khi khát nước mới lo đào giếng, giặc tới nơi mới đúc binh khí, chẳng quá muộn sao? (Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh; bệnh dĩ thành nhi hậu dược chi, loạn dĩ thành nhi hậu trị chi, ví do khát nhi xuyên tỉnh, đấu nhi chú binh, bất diệc vãn hồ). Do chủ trương "trị vị bệnh" nên Đông y rất coi trọng dưỡng sinh - nâng cao "chính khí", chính khí đầy đủ thì bệnh tật không thể xâm phạm (Chính khí tồn nội, tà bất khả can). Đó cũng là tư tưởng "tướng giỏi không cần đánh mà thắng" trong Tôn Tử binh pháp (Bất chiến nhi khuất nhân chi sư). Trong sách Nội kinh, dưỡng sinh được đặt vào vị trí tối cao, còn trị liệu chỉ được xem là biện pháp ở bình diện thấp. Tấn công trực tiếp vào "bệnh tà" chỉ được Đông y xem như biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ. "Trị vị bệnh", "phòng bệnh hơn chữa bệnh" - là chiến lược y tế vô cùng sáng suốt và là nét văn hóa độc đáo của Đông y từ ngàn năm xưa. Ngày nay, khi phổ bệnh đang có xu hướng chuyển từ nhiễm trùng sang bệnh tâm thân, nội tiết, chuyển hóa, phương thức sống,... thì chiến lược đó sẽ còn có giá trị thực tiễn và khoa học to lớn hơn nữa.

Đông y là nhân thuật, nên đối tượng chính của Đông y không phải là "bệnh" mà là "con người". Con người trong Đông y cùng với môi trường, vũ trụ hợp thành một chỉnh thể thống nhất, người xưa gọi đó là "Thiên nhân hợp nhất". Bản thân con người cũng là một chỉnh thể thống nhất, nên tinh thần và thể xác hợp nhất với nhau, người xưa gọi đó là "Hình thần hợp nhất".

Phương châm cơ bản của Đông y trong chữa bệnh là "lưu nhân trị bệnh" - nghĩa là trước hết phải giữ lấy mạng sống của con người, sau đó mới nghĩ tới vấn đề khống chế, tiêu trừ ổ bệnh. Mục tiêu chữa bệnh của Đông y là lập lại trạng thái "cân bằng chỉnh thể". Do đó trong quá trình chữa bệnh, Đông y coi trọng khả năng tự khôi phục và tái tạo của cơ thể con người, lấy việc huy động tiềm năng của con người làm phương châm chính. Vì vậy, bệnh nhân được coi là chủ thể, "nhân vi bản bệnh vi tiêu" - nghĩa là người là gốc, là chủ thể, bệnh chỉ là ngọn.

Đông y dùng thuốc tùy theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" - nghĩa là tùy theo chứng trạng biểu hiện ở người bệnh mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Trên lâm sàng, trăm người mắc cùng một bệnh, có thể được chữa trị bằng hàng trăm phương thuốc khác nhau. Vì phương thuốc được lập ra theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" - tức phỏng theo bệnh tình cụ thể ở từng người bệnh. "Phương giả phỏng dã" như y gia thời xưa thường nói.