Sách Hàn Phi Tử/Sưu tập những chuyện bên ngoài – Phần trên, đoạn dưới (Ngoại trữ thuyết, tả hạ)

Tủ sách mở Wikibooks
I.

Bị hình phạt vì có tội, thì người ta không oán người trên cho nên người bị cắt gót chân cứu Tử Cao. Được thưởng vì có công thì bầy tôi không cảm cái đức của nhà vua, cho nên Địch Hoàng năm cái khế ước mà ngồi trên xe. Tương Vương không biết điều đó cho nên Chiêu Mão được năm cỗ xe mà coi như chiếc giày cỏ, ở trên không bổ nhiệm bừa thì bầy tôi không giả vờ có tài năng cho nên bầy tôi sẽ không kém Thiếu Thất Chu.

II.

Cậy cái thế chứ không cậy chữ tín, cho nên Đông Quách Nha bàn về Quản Trọng. Cây vào thuật mà không cậy vào lòng tin cho nên Hồn Hiên chế Tấn Văn Công. Cho nên vua chúa có thuật thì thường chắc chắn để người ta đưa hết khả năng, phạt thì dứt khoát để cấm việc gian tà, tuy có hành động bác tạp vị chúa vẫn nắm được cái lợi của mình. Giản Công cho Dương Hổ làm tướng quốc, Lỗ Ai Công hỏi về một chân là chứng minh điều đó.

III.

Bỏ mất cái lẽ vua tôi thì Văn Vương tư mình buộc dây giày mà tô vẽ cái sai. Không thay đổi cách đối xử ở triều đình và ở nhà riêng thì Quy Tồn suốt đời trang trọng nhưng lại gặp giặc.

IV.

Kiếm lợi trong những điều cấm đoán, cấm đoán những điều có lợi thì đến thần cũng không làm được. Khen kẻ có tội, chê kẻ có công thì đến Nghiêu cũng không trị nước được. Làm cái cửa mà không cho người ta vào, bày cái lợi ra mà không cho người ta hưởng, thì cái loạn sẽ vì thế mà sinh ra. Tề Hầu không nghe những người chung quanh, vua Nguỵ không nghe những người khen mà xét bầy tôi một cách sáng suốt thì Cự không phải mất vàng vòng, Sằn không phải dâng ngọc bích. Chuyện Tây Môn Báo xin cai trị lại đất Nghiệp đủ để chứng minh điều đó. Điều đó cũng như đứa con tên ăn trộm khoe cái áo cầu và đứa con người bị chặt chân khoe cái áo. Tử Xước tay trái vẽ vòng tròn, tay phải vẽ hình vuông; lấy thịt đuổi kiến, lấy cá đuổi ruồi, thì làm sao tránh được mối lo của Tề Hoàn Công về việc chọn quan lại và mối lo của Tuyên Vương về chỗ ngựa gầy?

V.

Nếu bọn bầy tôi sống thấp hèn và tiết kiệm thì tước lộc không đủ để khen thưởng họ. Nếu cấp ân súng và vinh quang không có chừng mực thì bầy tôi ở dưới sẽ bức bách nhà vua. Chuyện Miêu Bôn Hoàng chê Vu Hiến Bá. Khổng Tử nhận định về án Anh chứng tỏ điều đó. Cho nên Trọng Ni bàn luận về chỗ Quản Trọng và Tôn Thúc Ngao dung mạo thay đổi khi ra khỏi nước và về nước. Dương Hổ nói về việc tiến cử bầy tôi. Triệu Giản Chủ nhận xét về bầy tôi là bỏ mất cái thuật của người chủ. Bè đảng phụ hoạ nhau, bầy tôi ở dưới được thoả sở thích thì nhà vua bị cô độc. Bầy tôi tiến cử theo công tâm, trên dưới hoà hợp, thì nhà vua sáng suốt. Dương Hổ cũng có thể trở thành hiền như Triệu Vũ, công tâm như Giản Hồ, nhưng Triệu Giản Chủ xem bầy tôi như cây gai không phải là cách dạy người trong nước vậy.

VI.

Nhà công thấp thì ngại lời nói thẳng. Việc làm riêng thắng thì cái công chung ít đi. Phạm Văn Tử nói thẳng, Phạm Vũ Tử dùng gậy chứng minh điều đó. Lương Xa dùng pháp luật nhưng lại bị Triệu Thành Hầu thu mất ấn tín. Quản Trọng làm theo công tâm nhưng người trong nước chê và oán giận.

VII.

Khổng Tử làm tướng quốc nước Lỗ. Học trò của ông là Tử Cao làm quan coi ngục, chặt chân một người. Người bị chặt chân làm nghề giữ cửa. Có người ghét Khổng Tử, bảo vua nước Vệ: “Trọng Ni muốn làm loạn”. Vua nước Vệ muốn bắt Khổng Tử. Khổng Tử bỏ chạy, học trò đều bỏ trốn.

Tử Cao đi ra cửa sau. Người bị chặt chân dẫn ông ta trốn trong cái phòng ở dưới cửa, các viên lại đuổi theo không bắt được. Tử Cao hỏi người bị chặt chân: “Tôi không thể làm trái phép tắc của chủ đã thân hành chặt chân ông. Nay là lúc ông trả thù, tại sao ông lại chịu giúp tôi bỏ trốn?”. Người bị chặt chân nói: “Tôi bị chặt chân đó là cái tội của tôi đáng bị như thế, không thể làm khác được. Nhưng khi ngài trị tội tôi, ngài cân nhắc pháp luật, lấy lời dạy bảo tôi, rất muốn cho tôi khỏi tội, và tôi biết thế. Đến khi án đã quyết, tội đã định, ngài bùi ngùi không vui, biểu lộ ở sắc mặt. Tôi nhìn thấy và biết thế. Không phải ngài có lòng riêng với tôi nên như thế, đó là vì bản tính của ngài nhân đức nên thế. Vì vậy cho nên tôi vui sướng lấy đức đối xử với ngài”.

I-2. Điền Tử Phương từ nước Tề sang nước Nguỵ. Từ xa nhìn thấy Địch Hoàng đi cỗ xe lớn, có quân kỵ đi theo. Phương tường là Nguỵ Văn Hầu rẽ xe lối khác để tránh, thì hoá ra là Địch Hoàng; Phương hỏi: “Sao ông lại ngồi xe này? “. Hoàng đáp: “Nhà vua bàn việc đánh đất Trung Son, tôi tiến cử Định Giác, nên cái mưu thành công. Đến lúc đánh, tôi tiến cử Nhạc Dương nên lấy được đất Trung Sơn. Nhà vua được Trung Sơn, lo trị đất này, tôi tiến cử Lý Khắc mà Trung Sơn được trị yên. Vì vậy cho nên nhà vua cho tôi cái xe này”. Phương nói: “So việc thưởng với công lao thì việc thưởng hãy còn ít đấy.

I-3. Nước Tần cùng nước Hàn đánh nước Nguỵ. Chiêu Mão sang phía tây du thuyết mà hai nước Tần, Hàn bãi binh. Nước Tề cùng nước Kinh đánh nước Nguỵ. Chiêu Mão sang phía đông du thuyết mà nước Tề, nước Kinh bãi binh. Nguỵ Tương Vương ban cho ông ta năm cỗ xe. Mão nói: “Bá Di được chôn theo bậc tướng quân ở chân núi Thú Dương, nhưng thiên hạ nói: Hiền như Bá Di và nhân như thế mà chôn theo lễ tướng quân thì không che được chân tay. Nay thần bãi bỏ được quân của bốn nước mà nhà vua lại cho thần năm cỗ xe thì so với công lao cũng như con người giàu có mang giép gai”.

I-4. Khổng Tử nói: “Kẻ khéo làm quan lại thì trồng đức, kẻ không biết làm quan lại thì trồng oán. Cái ống gạt lúa là để cho việc đo thành công bằng. Quan lại là kẻ làm cho luật pháp công bằng. Trị nước không thể bỏ sự công bằng”.

I-5. Thiếu Thất Chu là con người liêm khiết xác thực ngày xưa. Ông làm lực sĩ cho Triệu Tương Chủ. Ông cùng với Tử Từ người Trung Mâu thử sức, nhưng không bằng. Ông vào nói với Tương Chủ đề nghị dùng Tử Từ thay mình. Tương Chủ nói: “Địa vị của nhà ngươi là địa vị người ta mong muốn, tại sao nhà ngươi lại cử Tử Từ thay thế mình?”. Thưa: “Thần lấy sức mạnh thờ nhà vua. Nay Tử Từ sức mạnh hơn thần, nếu thần không tự mình tiến cử thì sợ người khác nói và thần có tội”.

Một thuyết khác. Thiếu Thất Chu làm người cùng đi xe với Tương Chủ. Khi đến Tấn Dương có người lực sĩ là Ngưu Từ Canh cùng đấu sức với ông ta, nhưng ông ta không thắng được. Chu nói với nhà vua: “Nhà vua sở dĩ cho thần làm người cùng đi xe là vì thần có sức khoẻ. Nay có người sức khoẻ hơn thần, thần xin tiến cử anh ta”.

II-1. Tề Hoàn Công sắp lập Quản Trọng. Ra lệnh cho các quan: “Quả nhân sắp lập Quản Trọng làm Trọng phụ: Người nào tán thành thì bước vào cửa rồi qua bên trái; người nào không tán thành thì bước vào cửa, rồi qua bên phải”. Đông Quách Nha đứng ở giữa cửa. Hoàn Công hỏi: “Quả nhân lập Quản Trọng làm Trọng phụ, ra lệnh người nào tán thành đứng bên trái, người nào không tán thành đứng bên phải. Nay nhà ngươi tại sao lại đứng ở giữa cửa?” . Nha nói: “Bệ hạ cho cái khôn của Quản Trọng có thể lo được việc thiên hạ sao?”. Hoàn Công nói: “Lo được”. Nha hỏi: “Bệ hạ cho ông ta dám làm việc lớn sao?”. Hoàn Công nói: “Dám làm”. Nha hỏi: “Bệ hạ biết cái khôn của ông ta có thể lo việc thiên hạ, cái quyết đoán của ông ta có thể làm việc lớn, bệ hạ vì thế giao hết quyền cả nước vào tay ông ta. Có cái tài của Quản Trọng lại có cái thế của bệ hạ mà cai trị nước Tề, có thể không nguy sao?”.

Hoàn Công nói: “Phải lắm”. Bèn sai Thấp Bằng lo việc bên trong, Quản Trọng lo việc bên ngoài để dòm ngó nhau.

II-2. Tấn Văn Công bỏ nước trốn. Cơ Trịnh cầm liễn cơm đi theo, lạc mất đường, không gặp Văn Công. Đói và khóc bên đường, thà ngủ đói chứ không dám ăn. Đến khi Văn Công trở về nước, cất quân đánh đất Nguyên, đánh được và lấy đất Nguyên. Văn Công nói: “Kẻ chịu được cái khổ của đói quyết giữ nguyên liễn cơm, thì sẽ không lấy đất Nguyên để phản lại ta”. Bèn cho làm quan lệnh đất Nguyên. Quan đại phu Hồn Hiên nghe thế chê nói: “Vì cớ không đụng đến liễn cơm để tin là không lấy đất Nguyên để làm phản, chẳng phải là không có thuật trị nước sao?”.

Cho nên vị chủ sáng không cậy vào chỗ người ta không làm phản lại mình, mà cậy vào chỗ người ta không thể phản lại mình: không cậy vào chỗ người ta không lừa ta, mà cậy vào chỗ người ta không thể lừa ta.

II-3. Dương Hổ nói: “Nếu chủ giỏi và sáng suốt thì ta đem hết lòng để thờ: nếu chủ kém thì ta tô vẽ điều gian trá để thử ông ta”. Dương Hổ không dám làm điều trái, lấy cái hay để thờ Giản Chủ, làm cho chủ mạnh lên gần đến địa vị bá.

II-4. Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Tôi nghe nói ngày xưa có câu “Quỳ một chân”. Ông ta có phải đúng là một chân không?”[50]. Khổng Tử đáp: “Không phải. Không phải Quỳ có một chân. Quỳ là người nóng nẩy và có bụng ác, phần lớn người ta không thích. Nhưng sở dĩ ông ta không bị người ta làm hại là vì ông ta giữ chữ tín. Người ta đều nói: chỉ một mình cái đó là đủ rồi. Không phải là Quỳ một chân, mà có một đức tốt là đủ”. Ai Công nói: “Nếu thế thì quả là đủ thực”.

Một thuyết khác. Ai Công hỏi Khổng Tử: “Ta nghe nói Quỳ một chân, có phải thế không? ” Khổng Tử đáp: ” Quỳ là người, cớ gì lại một chân? Ông ta không có gì khác người, chỉ độc thạo về âm thanh”. Nghiêu nói: ” Quỳ có một cái hay là đủ. Cho ông ta làm quan coi về nhạc. Cho nên người quân tử nói: ” Quỳ có một cái hay là đủ, chứ không phải nói ông ta một chân”.

III-1. Vua Văn Vương phạt nước Sùng, đến gò Phượng Hoàng thì dày giép tuột. Bèn tự mình buộc lại. Thái Công Vọng nói: “Sao lại làm thế?”. Nhà vua nói: “Những kẻ vị vua giỏi cùng ở với họ là những người thầy của nhà vua. Những kẻ nhà vua bình thường cùng ở đều là bạn nhà vua. Những kẻ nhà vua kém cùng ở đều là tôi tớ nhà vua. Nay tất cả đều là những bầy tôi của tiên quân, cho nên ta không thể sai khiến”.

Một thuyết khác. Tấn Văn Công đánh nhau với quân Sở. Đến gò Phượng Hoàng, cái dép tuột. Bèn tự mình buộc lại. Những người chung quanh hỏi: “Không thể sai khiến người hay sao?”. Văn Công nói: “Ta nghe nói vị vua giỏi ở với ai thì đó là những người mà nhà vua sợ. Vị vua trung bình ở với ai thì đó đều là những người nhà vua yêu. Vị vua kém ở với ai thì đó đều là những người nhà vua khinh. Quả nhân tuy kém, nhưng những người của tiên quân đều ở đây, cho nên không thể sai”.

III-2. Quý Tôn thích kẻ sĩ, suốt đời trang trọng, cách cư xử và ăn mặc thường như ở triều đình. Nhưng Quý Tôn có lần lười biếng, có sơ sót và không thể làm được mãi. Cho nên khách cho rằng ông ta coi thường mình, cùng nhau oán giận ông. Họ bèn giết Quý Tôn. Do đó người quân từ bỏ cái thái quá.

Nam Cung Kính tử hỏi Nhan Trọc Trụ: “Quý Tôn nuôi bọn học trò của Khổng Tử. Những người mặc triều phục cùng ngồi với ông ta đến vài chục người, nhưng ông ta vẫn bị giết là tại làm sao?”. Nhan Trọc Trụ đáp: “Ngày xưa vua Thành Vương nhà Chu gần gũi bọn kép hát để thoả thích cái ý của mình, nhưng lại cùng người quân tử quyết định mọi công việc. Vì vậy cho nên làm được điều ông mong muốn đối với thiên hạ. Nay Quý Tôn nuôi bọn học trò của Khổng Tử, những người mặc triều phục cùng ngồi với ông ta đến vài chục. Nhưng ông ta lại quyết định công việc với bọn hề và bọn kép hát. Cho nên, ông ta bị giết. Cho nên nói: “Điều quyết định không phải ở chỗ cùng sống với ai mà ở chỗ cùng bàn mưu với ai”.

III-1. Khổng Tử ngồi hầu Ai Công nước Lỗ. Ai Công cho Khổng Tử đào và xôi. Ai Công nói: “Mời ông ăn”. Khổng Tử trước tiên ăn xôi, sau đó mới ăn đào. Những người chung quanh đều bưng miệng cười. Ai Công nói: “Xôi không phải để ăn mà để lau quả đào cho sạch”. Trọng Ni đáp: “Khâu này biết thế. Nhưng nếp là thứ đứng đầu trong ngũ cốc, khi tế các tiên vương thì nó là quý nhất. Quả có sáu loại mà đào thuộc vào loại thấp. Khi tế các tiên vương không được đưa đào vào miếu. Khâu cũng nghe nói lấy cái hèn để lau cái quý chứ không nghe nói lấy cái sang để lau cái hèn. Nay lấy cái đứng đầu trong ngũ cốc để lau loại quả thấp hèn, như vậy là lấy cái trên để lau cái dưới. Khâu cho thế, là trái với nghĩa cho nên không xem đào trước thứ vật được quý trọng trong tôn miếu”.

III-4. Triệu Giản Tử hỏi những người chung quanh: “Chiếu trải trong xe quá đẹp. Cái mũ tuy xấu nhưng vẫn phải đội lên đầu. Cái giày tuy sang nhưng vẫn xỏ vào chân. Nay chiếu trải xe như thế này là quá đẹp. Ta biết đi cái giày gì? Nói chung cái tốt ở dưới mà cái xấu ở trên là nguồn gốc của việc trái đạo nghĩa”.

III-5. Phí Trọng nói với vua Trụ: “Tây Bá Xương (Tây Bá là chức, Xương là tên của vua Văn Vương ND) là người hiền, trăm họ thích ông ta, chư hầu theo ông ta, không thể không giết. Không giết thì sẽ là mối hoạ cho nhà Ân”. Vua Trụ hỏi: “Người nhà ngươi nói là một ông chủ có nghĩa làm sao giết được?”. Phí Trọng nói: “Cái mũ có rách nhưng vẫn đội lên đầu, cái giày tuy có năm sắc nhưng vẫn giẫm lên đất. Nay Tây Bá Xương là bầy tôi, trau giồi đạo nghĩa, người ta theo ông ta. Kẻ rốt cục gây hoạ cho thiên hạ chắc là Xương chăng? Bầy tôi mà không đem cái hiền tài của mình ra phục vụ nhà vua thì không thể không giết. Vả lại vua mà giết bầy tôi thì có gì là sai?”. Vua Trụ nói: “Phàm nhân nghĩa là cái mà bề trên dùng để khuyến khích những người dưới. Nay Xương chuộng nhân nghĩa mà, ta giết thì không được”. Phí Trọng nói ba lần, vua Trụ không nghe, cho nên nhà Ân bị diệt.

III-6. Tề Tuyên Vương hỏi Khuông Sảnh: “Nhà nho có đánh bạc không?”. Thưa: “Không ạ”. Hỏi: “Sao lại thế?”. Khuông Sảnh trả lời: “Người đánh bạc coi con xúc xắc là quý. Người thắng thế nào cũng giết con xúc xắc. Giết con xúc xắc là giết cái mình quý. Nhà nho cho thế là hại đến đạo nghĩa cho nên không đánh bạc”.

Nhà vua lại hỏi: “Nhà nho có bắn bằng tên buộc dây không?”. Thưa: “Không ạ! Bắn bằng tên buộc dây là ở dưới làm hại lên trên. Tức là kẻ dưới làm hại đến nhà vua. Nhà nho cho là làm hại đến nghĩa, cho nên không bắn bằng tên buộc dây” Tuyên Vương nói: “Phải đấy”. Trọng Ni nói: “Để cho dân nịnh người dưới không bằng khiến dân nịnh người trên” .

IV-1. Cự là một cư sĩ nước Tề, Sằn là một cư sĩ nước Nguỵ. Vua nước Tề, nước Nguỵ không sáng suốt, không thể tự mình hiểu rõ được tình trạng trong nước mà nghe theo lời những người chung quanh, cho nên hai người phải mất vàng và ngọc bích để xin vào làm quan.

IV-2. Tây Môn Báo làm quan huyện lệnh đất Nghiệp. Trong sạch, chăm chỉ, trung thực, không mảy may lo lợi riêng, nhưng lại rất coi nhẹ những người chung quanh nhà vua. Những người chung quanh nhà vua do đó hùa nhau chê bai ông. Làm được một năm, nộp thuế lên, nhà vua thu ấn của ông ta. Báo xin: “Thần trước đây không biết cách cai trị đất Nghiệp, nay thần đã biết. Xin được nhận ấn để cai trị đất Nghiệp một lần nữa. Nếu không được xin chịu tội búa rìu”. Nguỵ Văn Hầu không nỡ, lại cho ông ta làm. Báo bèn thu vét nhiều của cải của trăm họ, ra sức phục vụ những người chung quanh nhà vua. Được một năm, nộp thuế lên nhà vua. Nguỵ Văn Hầu đón và vái chào. Báo nói: “Năm ngoái thần vì nhà vua cai trị đất Nghiệp, nhưng nhà vua lại đoạt ấn của thần. Năm nay, thần vì những người chung quanh nhà vua cai trị đất Nghiệp, nhà vua lại vái chào thần. Thần không thể cai trị nữa”. Bèn nộp ấn mà xin đi. Nguỵ Văn Hầu không nhận ấn nói: “Trước đây quả nhân không biết ông, nhưng nay thì đã biết. Xin ông cố gắng vì quả nhân mà cai trị đất ấy”. Nên không cho Báo từ chức.

IV-3. Nước Tề có đứa con của người giả làm chó để ăn trộm và đứa con của người cụt chân chơi với nhau và khoe với nhau. Người con của người ăn trộm nói: “Chỉ có cái áo cầu của cha tao là có đuôi”. Người con người cụt chân nói: “Chỉ có cha tao là không thể nào bị mất quần”.

IV-4. Tử Xước nói: “Người ta không có ai có thể tay trái vẽ hình vuông mà tay phải vẽ hình tròn. Lấy thịt đuổi kiến thì kiến càng đông, lấy cá đuổi ruồi thì ruồi càng đến”.

IV-5. Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng: “Chức quan thì ít mà người đòi làm thì nhiều. Quả nhân lo việc đó”. Quản Trọng nói: “Bệ hạ chớ nghe những lời xin xỏ của những người chung quanh. Cứ căn cứ vào tài năng mà cấp bổng lộc, căn cứ vào công mà cho làm quan. Bệ hạ có gì phải lo?.

IV-6. Hàn Tuyên Tử nói: “Con ngựa của ta ăn nhiều lúa và đậu nhưng rất gầy. Tại sao thế? Quả nhân rất lo”. Chu Thị đáp: “Nếu kẻ coi chuồng ngựa cho ăn hết lúa thì muốn ngựa không mập cũng không được. Nếu tiếng là ngựa ăn nhiều nhưng thực là ít, thì tuy muốn không gầy cũng không được. Bệ hạ không xét cái tình thực mà cứ ngồi lo thì ngựa còn không mập”.

IV-7. Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng về việc bổ nhiệm quan lại. Quản Trọng nói: “Về mặt xét cách ăn nói, trong sạch đối với của cải, thông hiểu nhân tình thì Di Ngô không bằng Huyền Thương. Xin lập ông ta làm quan đại lý. Về mặt bước lên bước xuống nghiêm trang, lễ độ, lấy cái lễ sáng tỏ để tiếp đãi tân khách thì thần không bằng Thấp Bằng, xin cho ông ta làm quan đại hành, về mặt khai khẩn, thu thuế, khẩn hoang, làm ra lúa, thần không bằng Ninh Vũ. Xin cho ông ta làm quan đại điền. Ba quân đã thành trận, khiến quân sĩ coi cái chết như về, thần không bằng công tử Thành Phụ. Xin cho ông ta làm đại tư mã. Về mặt xúc phạm nhan sắc nhà vua, can thẳng, thần không bằng Đông Quách Nha, xin cho ông ta làm gián thần. Muốn cai trị nước Tề thì năm người ấy là đủ. Còn muốn làm bá vương thì có Di Ngô đây”.

V-l. Mạnh Hiến Bá làm tướng quốc nước Lỗ. Dưới thềm rau lê, rau hoắc mọc. Ngoài cửa cây gai cây táo mọc cao. Ăn không hai món, ngồi không hai chiếu. Trong nhà người thiếp không mặc đồ lụa, ở nhà không cho ngựa ăn thóc. Đi ra ngoài không có xe đi theo. Thúc Hướng nghe thế nói với Miêu Bôn Hoàng. Miêu Bôn Hoàng chê ông ta, nói: “Như vậy là lấy cái tước lộc vua cho để xu phụ người dưới”.

Một thuyết khác. Mạnh Hiến Bá được làm thượng khanh, Thúc Hướng đến mừng. Ngoài cửa có xe ngựa, ngựa không ăn lúa. Hướng nói: “Tại sao ông không có hai con ngựa, hai cỗ xe ?”. Hiến Bá nói: “Tôi xem người trong nước đều có sắc đói, vì vậy cho nên không cho ngựa ăn lúa. Những người có tóc hoa râm phần lớn đi bộ cho nên không có hai cỗ xe”. Thúc Hướng nói: “Lúc đầu tôi mừng ông được làm khanh, bây giờ tôi mừng ông tiết kiệm”. Thúc Hướng đi ra, nói với Miêu Bôn Hoàng: “Ông hãy giúp tôi mừng sự tiết kiệm của Hiến Bá”. Miêu Tử nói: “Mừng cái gì? Tước lộc, cờ xí là để phân biệt công lao, nêu rõ người hay kẻ dở. Cho nên phép tắc nước Tấn, quan thượng đại phu có hai cỗ xe, hai bộ ngựa; quan trung đại phu có hai cỗ xe một bộ ngựa; quan hạ đại phu có bộ ngựa riêng. Điền đó để nêu bật đẳng cấp. Vả lại, làm quan khanh thì phải có nhiệm vụ quân sự cho nên có binh sĩ, xe ngựa đề phòng bị việc binh. Khi có nạn thì đề phòng bị điều bất thường. Khi bình thường thì để lo việc đi chầu. Nay làm loạn chính sự của nước Tấn, thiếu sót trong việc phòng bị điều bất ngờ, để có được cái tiếng riêng, để có được cái tiếng trong sạch. Cái tiết kiệm của Hiến Bá có gì đáng khen? Có gì mà phải mừng?”.

V-2. Quản Trọng làm tướng quốc nước Tề, nói : “Thần sang rồi, nhưng thần nghèo”. Hoàn Công nói: “Cho ông đài Tam Quy”. Quản Trọng nói: “Thần giàu rồi, nhưng địa vị thần còn thấp”. Hoàn Công cho ông ở trên họ Cao, họ Quốc. Quản Trọng nói: “Thần có địa vị cao rồi nhưng thần còn chưa thân với nhà vua”. Hoàn Công bèn cho ông ta làm Trọng phụ. Khổng Tử nghe vậy chê ông ta, nói “Quá xa xỉ và lấn át người trên”. Một thuyết khác. Quản Trọng (Phụ) đi ra thì lọng đỏ, áo xanh, đánh trống để về nhà. Ngoài sân có bày vạc, trong nhà có đài Tam Quy. Khổng Tử nói: “Ông là quan đại phu giỏi nhưng cái xa xỉ của ông lấn át người trên”.

V-3. Thúc Tôn Ngao làm tướng quốc nước Sở. Đi xe bằng tre, do ngựa cái kéo, ăn cơm hẩm canh rau, ăn cá khô. Mùa đông mặc áo cầu bằng da dê, mùa hạ mặc áo vải, mặt có sắc đói. Như vậy, ông là vị đại phu giỏi nhưng sự tiết kiệm của ông lấn át người dưới.

V-4. Dương Hổ rời nước Tề chạy sang nước Triệu. Triệu Giản Chủ hỏi: Ta nghe nói ông khéo trồng người”. Hổ đáp: “Thần ở nước Lỗ vun đắp cho ba người. Họ đều làm lệnh doãn. Đến khi Hổ phải tội ở nước Lỗ, họ đều sục sạo tìm bắt Hổ. Thần ở nước Tề, tiến cử ba người: Một người được ở gần vua, một người được làm huyện lệnh, một người làm lại lo tiếp khách. Đến khi thần bị tội, con người ở gần vua không chịu tiếp thần; người làm huyện lệnh đón thần bắt để trói; người làm lại lo tiếp khách đuổi thần đến biên giới, không kịp mới thôi. Hổ không khéo trồng người”. Giản Chủ cúi mặt cười mà rằng: “Phàm trồng cây lê, cay quýt thì lúc ăn, được quả ngọt lúc ngửi, được mùi thơm. Trồng cây chỉ cúc thì khi lớn lên gai đâm người. Cho nên người quân tử cẩn thận trong việc trồng cái gì”.

V-5. Đất Trung Mâu không có quan lệnh, Tấn Bình Công hỏi Triệu Vũ: “Đất Trung Mâu là nơi then chốt của ba nước (Triệu, Tề, Yên), là cái thìa khoá của thành Hàm Đan (thủ đô của nước Triệu). Quả nhân muốn có được một quan lệnh giỏi cai trị nó, có thể sai người nào?”. Triệu Vũ nói: “Hình Bá Tử có thể làm được”. Bình Công hỏi: “Đó không phải là kẻ thù của ông sao?”. Triệu Vũ đáp: “Việc thù riêng không lọt vào cửa công”. Bình Công lại hỏi: “Ai có thể làm quan lệnh đất Trung Phủ?”. Triệu Vũ đáp: “Con của thần có thể làm”. Cho nên nói? “Cử người bên ngoài không bỏ kẻ thù, cử người bên trong không bỏ con mình”. Triệu Vũ tiến cử bốn mươi sáu người. Đến khi Vũ chết họ đều ở địa vị khách. Cái đức vô tư của ông là như thế.

V-6. Tấn Bình Công hỏi Thúc Hướng: “Các bầy tôi ai hiền?”. Thúc Hướng nói: “Triệu Vũ”. Bình Công nói: “Nhà ngươi theo phe những người của thầy”[51]. Thúc Hướng nói: “Triệu Vũ đứng như không có áo, nói như không nên lời, thế nhưng mấy mươi người kẻ sĩ ông tiến cử đều làm hết cái tài của mình và nhà công thất rất nhờ cậy ở họ. Vũ Tử khi sống lại không lo làm lợi cho nhà mình, khi chết lại không gửi đứa con mồ côi cho họ. Thần dám cho rằng ông ta là người hiền”.

V-7. Giải Hồ tiến cử người thù của mình với Triệu Giản Chủ để làm tướng quốc. Người thù cho rằng mình may mắn được thờ thì nên nhân đó đến lạy tạ. Hổ trướng tung đuổi và nhắm bắn, nói: Ta tiến cử nhà ngươi là việc công, nhà ngươi có thể làm việc ấy. Ta thù ngươi là cái oán riêng của ta. Ta không vì ái oán riêng đối với nhà ngươi mà chặn đường không cho ngươi gặp vua ta. Cho nên cái oán riêng không bước vào cửa công”. Lại có thuyết khác. Giải Hồ tiến cử Hình Bá Liễu làm thái thú Thượng Đảng. Liễu đến lạy tạ nói: “Ông tha tội cho tôi, tôi dám đâu không lạy hai lạy”. Giải Hồ nói: “Cử ông là việc công, oán ông là việc riêng, ông đi ngay. Ta vẫn oán ông như xưa”.

V-8. Có người Huyện Trịnh bán lợn. Người ta hỏi giá lợn, anh ta nói: “Đường trời chiều, công hơi nào nói với anh?”.

VI-1. Phạm Văn Tử thích nói thẳng. Phạm Vũ Tử lấy gậy đánh ông ta, nói: “Nói thẳng thì không được người ta dung tha. Không được dung tha thì nguy đến thân mình. Không những là nguy đến thân mình, mà còn nguy đến cả cha mình”.

VI-2. Từ Sản là con Tử Quốc. Tử Sản trung với vua Trịnh, Tử Quốc giận mắng: “Nói chung khác các bầy tôi mà chỉ trung với vua, nếu nhà vua hiền, sáng suốt thì nghe nhà ngươi, nhưng nếu nhà vua không hiền không sáng suốt thì sẽ không nghe nhà ngươi. Việc nghe hay không nghe còn chưa biết được, nhưng nhà ngươi đã tách rời khỏi bầy tôi rồi. Tách rời khỏi bầy tôi thì thế nào thân nhà ngươi cũng nguy, không những thân nhà người nguy mà còn nguy cả đến cha nhà ngươi nữa”.

VI-3. Lương Xa mới làm quan lệnh đất Nghiệp. Bà chị ông ta đến thăm. Trời chiều, cửa sau đóng. Bèn leo tường vào thành. Lương Xa bèn chặt chân bà ta. Triệu Thành Hầu cho là người không từ, nên cướp ấn của ông ta không cho ông ta làm lệnh.

VI-4. Quản Trọng bị trói giải từ nước Lỗ đi qua nước Tề. Trên đường đói và khát. Đi ngang qua Ỷ Ô xin người giữ biên giới cơm. Người giữ biên giới ở Ỷ Ô quy dâng cơm, hết sức kính trọng, nhân đó nói trộm với Quản Trọng: “Nếu may mà ngài đến nước Tề và được dùng ở Tề, thì ngài sẽ lấy gì trả ơn tôi?”. Quản Trọng đáp: “Nếu được như lời ông nói thì tôi dùng người hiền, sai khiến người có năng lực, nêu bật người có công. Tôi lấy gì để báo ơn ông?”. Người giữ biên giới oán giận ông ta.

Chú thích[sửa]

[50] Nguyên văn “Quỷ nhất túc”. Chữ “túc” có nghĩa là “chân” và là “đủ”

[51] Thúc Hướng trước là đại phu của Triệu Vũ.