Sách Hàn Phi Tử/Sưu tập những chuyện bên ngoài. Phần trên, đoạn trên – (Ngoại trữ thuyết, tả thượng)

Tủ sách mở Wikibooks
I.

Cái đạo của vị chúa sáng là như lời của Hữu Nhược trả lời Mật Tử. Bậc chúa ở đời khi nghe lời nói thì thích nó hùng biện, khi xem việc làm thì thích chuyện xa vời.

Cho nên cái đạo và lời nói năng của bầy tôi, của kẻ sĩ và dân chúng vu khoát và việc làm của họ cách xa việc đời. Thuyết này minh hoạ bằng chuyện Điển Cưu trả lời vua nước Kinh. Cho nên Mặc Tử làm con diều gỗ, người hát là Quý xây Vũ Cung. Phàm rượu thuốc và lời trung thì chỉ có một mình bậc vua sáng chúa thánh là có thể biết mà thôi.

II.

Bậc vua chúa khi nghe nói nếu không lấy cái công dụng làm đích thì những người biện thuyết hay đưa ra cái thuyết mũi gai, ngựa trắng. Nếu không lấy cái chuẩn để mà cân nhắc thì những người bắn tên đều như Hậu Nghệ. Các vua chúa đối với các thuyết đều như vua nước Yên học đạo, và những kẻ nói giỏi đều như những người nước Trịnh tranh nhau về tuổi. Cho nên những lời nói nhỏ, khó xét, khó thấy thì không hợp với công việc. Vì vậy Quý Lương, Huệ Thi, Tống Kiên, Mặc Định đều là vẽ trên roi ngựa hết. Lời bàn tuy sâu xa, rộng lớn, nhưng không dùng được.

Cho nên các thuyết của Nguỵ Mậu, Chiêm Hà, Trần Biền, Trang Chu đều là như ma quỷ[39]. Đem ra làm thì trái lẽ, khó khăn, cứng nhắc, gốc cạnh mà không nên công. Cho nên bọn Vụ Quang, Biện Tuỳ, Bảo Tiêu, Giới Tử Thôi, Điền Trọng đều là thì bầu cứng[40]. Vả lại, Ngu Khanh làm cho người thợ mộc đuối lý nhưng nhà vẫn sụp. Phạm Thư làm cho người thợ cùng lẽ nhưng cái cung vẫn gãy. Cho nên muốn cho công việc có kết quả mà không nhắm vào cái đích thực tế thì không thể được.

III.

Cùng làm việc với nhau thì chờ đợi ở nhau; nhưng khi tự mình làm thì công việc lại xong. Cho nên giữa cha với con có khi oán trách kêu ca, nhưng thuê người làm công thì lại cho họ ăn canh ngon. Thuyết này dựa vào chuyện Tần Văn Công rêu rao trước và chuyện Câu Tiễn nói đến đài Như Hoàng.

Cho nên Tề Hoàn Công giấu điều giận đối với nước Thái mà lại đánh nước Sở, Ngô Khởi muốn sĩ tốt lành bệnh mà hút mủ vết thương. Vả lại, những bài phú ca ngợi các tiên vương, những chữ khắc trên chuông, trên vạc đều như dấu chân trên núi Phiên Ngô, như cuộc đánh cờ trên núi Hoa Sơn. Cái mà các tiên vương muốn là cái lợi, cái mà họ sử dụng đó là sức mạnh. Lời ngạn ngữ nói về cái đến xã bằng tre là cốt mưu lợi cho mình. Còn việc cứ nghe theo các học giả khen ngợi tán dương các tiên vương phải chăng là không thích hợp với thời nay? Nếu nói rằng không thể thay đổi được thì cũng như chuyện người ở Trịnh Huyền được cái ách xe, chuyện bà vợ của Bốc Tử may giống quần cũ, chuyện người trẻ hầu rượu người già vậy.

Trong các lời của các tiên vương có những lời họ cho là tầm thường nhưng đời sau cho là to lớn. Có cái họ cho là to lớn nhưng đời sau cho là tầm thường.

THIẾU TRANG

buộc, hai vị vua kia tại sao còn lấy lễ đối xử với họ? Dùng lễ đối xử với họ là không phải.

Vả lại, những kẻ sĩ lo trau giồi cái học, khi nước nhà không có việc thì họ không dốc sức, khi nước nhà có việc thì họ không mang áo giáp. Dùng lỗ đối xử với họ thì họ bỏ cái công việc cày ruộng và chiến đấu, không dùng lỗ đối xử với họ thì họ làm hại tới phép tắc của nhà vua. Khi nước yên thì họ được tôn quý vinh hiển, khi nước nguy thì họ sợ hãi như Khuất Công. Bậc làm vua được lợi gì ở những kẻ sĩ trau dồi học vấn? Cho nên bậc vua sáng xét việc theo cách Lý Ty nhận định về nước Trung Sơn.

IV.

Kinh thi nói: “Mình không noi theo, thì dân không tin”[41]. Đây là nói chuyện vua chư hầu không nên mặc áo tía. Để chứng minh có chuyện Trịnh Giản Công, Tống Tương Công. Trách nhiệm nhà vua là đề cao việc cày bừa và chiến đấu. Nói chung, nếu không phân biệt rõ ràng các địa vị, không lấy kết quả mà đánh giá, mà chỉ tự mình nêu gương cho kẻ dưới thì cũng như xuống xe chạy bộ, ngủ trong khi đọc sách, và che quần áo rách. Khổng Khâu không biết cho nên nói nhà vua như cái chén. Vua nước Trâu không biết cho nên tự làm nhục mình trước. Cái đạo của bậc vua sáng là như Thúc Hướng ban lộc và như Hàn Chiêu Hầu không nghe lời thỉnh cầu.

V.

Điều tín nhỏ giữ được thì điều tín lớn xác lập được. Cho nên vị vua sáng chứa chất chữ tín. Việc thưởng phạt không tin chắc thì các mệnh lệnh và những điều ngăn cấm không được thi hành. Thuyết này biểu hiện ở chỗ Tấn Văn Công đánh đất Nguyên và Cơ Trịnh cứu đói. Vì vậy cho nên Ngô Khởi đợi bạn cũ đến rồi mới ăn, Nguỵ Văn Hầu gặp người coi rừng về việc đi săn. Cho nên bậc vua sáng nêu cao chữ tín, cũng như Tăng Tử giết lợn. Cái lo là ở chỗ vua Lê Vương đánh trống báo động và Lý Khôi lừa hai người canh cửa quan.

1.1. Mật Tử Tiện cai trị đất Đan Phụ, Hữu Nhược gặp ông ta hỏi: “Tại sao ông lại gầy gò như thế?”. Mật Tử nói : “Nhà vua không biết Tiện này kém cỏi, cho cai trị đất Đan Phụ. Việc quan gấp, bụng tôi lo lắng cho nên gầy gò”. Hữu Nhược nói “Ngày xưa vua Thuấn gảy đàn cầm năm dây, hát bài ca “Gió Nam” mà thiên hạ trị an, nay đất Đan Phụ nhỏ bé, mà cai trị nó lo lắng như thế thì làm sao nơi cai trị thiên hạ được? Cho nên nếu có cái thuật để đối phó thì thân mình ngồi trên chốn miếu đường, có cái sắc thái của người trinh nữ, nhưng vẫn không hại gì tới việc trị an; nếu không có cái thuật để đối phó thì tuy có gầy gò tiều tuỵ cũng chẳng có ích gì!”.

1.2. Vua nước Sở bảo Điền Cưu: “Mặc Tử là người học rộng, việc ông ta làm thì được, nhưng lời nói của ông ta thì nhiều mà lại không hùng biện là tại làm sao?”. Điền Cưu đáp: “Ngày xưa Tần Bá[42] gả con gái cho công tử nước Tấn, ra lệnh cho người nước Tấn tô điểm cho con gái mình, có bảy mươi nàng thiếp mặc áo gấm đi theo. Khi đến nước Tấn, người nước Tấn lại yêu những người thiếp mà coi thường con gái của Tần Bá. Như thế có thể nói là khéo gả những người thiếp nhưng chưa có thể nói là khéo gả con gái vậy”.

Có người nước Sở đặt viên ngọc châu trong cái tủ, bán sang nước Trịnh. Anh ta lấy gỗ mộc lan làm tủ, đốt quế và hồ tiêu để xông, lấy châu và ngọc để buộc vào, lấy ngọc mai khôi để trang sức, lấy lông chim trả để lót. Người nước Trịnh mua cái tủ nhưng trả lại viên ngọc châu. Như thế có thể nói là khéo bán tủ nhưng chưa khéo bán ngọc vậy. Những người bàn luận ngày nay đều nói những lời hùng biện văn hoa, nhà vua thích cái văn hoa mà quên cái công dụng. Học thuyết của Mặc Tử lo truyền lại cái đạo của tiên vương, bàn về những lời nói của thánh nhân để dạy người ta. Nếu ông ta dùng lời lẽ hùng biện thì sợ người ta thích cái văn hoa mà bỏ quên mất cái thực chất, vì cái văn vẻ mà làm hại tới công dụng. Nếu làm thế thì cũng giống như người Sở bán ngọc châu. Tần Bá gả con gái. Cho nên lời của ông ta phần lớn không hùng biện”.

1-3. Mặc Tử làm con diều bằng gỗ, mất ba năm mới xong. Diều bay được một ngày thì hỏng, học trò ông ta nói: “Thầy khéo léo đến nỗi có thể con diều gỗ bay được”. Mặc Tử nói: “Ta không bằng kẻ làm cái trục xe. Dùng thanh gỗ dài 18 thước, làm không mất một buổi sáng mà có thể chở được ba mươi thạch, đi xa, sức chở nhiều, đi được nhiều năm. Nay ta làm con diều ba năm mới xong, bay được một ngày thì hỏng”. Huệ Tử nghe vậy, nói “Mặc Tử rất khéo. Khéo ở chỗ làm trục xe, vụng ở chỗ làm con diều”.

1-4. Vua nước Tống thù nước Tề, xây Võ Cung. Người hát là Quý hát. Những người đi đường dừng lại xem, những người xây không biết mệt. Nhà vua nghe vậy gọi Quý đến thưởng, Quý đáp: “Thầy của thần là Xạ Kê hát còn hay hơn Quý”. Nhà vua cho mời Xạ Kê đến, sai ông ta hát. Những người đi đường không dừng lại. Những người xây thấy mệt. Nhà vua nói: “Những người đi đường không dừng lại, những người xây cảm thấy mệt. Tại sao ông ta lại không hát hay bằng Quý?”. Quý đáp: “Nhà vua cứ so sánh công của hai bên: Quý xây được bốn tấm, Xạ Kê xây được tám tấm. Còn nếu xét về mặt chắc thì năm tấc của Quý bằng hai tấc của Xạ Kê”.

1-5. Phàm thuốc tốt thì đắng miệng, nhưng mà những người khôn thì lại thích và uống vì biết uống vào chữa được bệnh. Lời nói ngay nghe trái tai, nhưng vị vua sáng vẫn nghe vì biết nó có thể đem đến kết quả.

II-1. Có người nước Tống xin chạm cho vua nước Yên một con khỉ cái ở trên đầu mũi gai, nhưng nhà vua phải trai giới ba tháng rồi mới xem. Vua nước Yêu lấy lộc ba cỗ xe để nuôi anh ta. Người làm bếp và người thợ đúc nhà vua nói[43]: “Thần nghe nói bậc làm vua không thể trai giới mười ngày mà không ăn một bữa tiệc. Nay hắn biết nhà vua không thể trai giới lâu để xem cái vật vô dụng, cho nên nêu ra thời hạn ba tháng. Nói chung, trong việc chạm thì đồ để chạm phải nhỏ hơn cái hình chạm. Nay thần là thợ đúc, không có cách nào đúc cái anh ta dùng để chạm, như thế tức là vật này không có được. Xin nhà vua xét”. Nhà vua bèn giam người thợ chạm và hỏi, quả nhiên anh ta lừa dối. Bèn giết anh ta. Người thợ đúc nói với nhà vua: “Tính kế mà không đo lường thì bọn kẻ sĩ bàn tán nhiều người cứ nói chuyện mũi gai”.

Một thuyết khác: Vua nước Yên thích những vật nhỏ mà khéo léo. Người nước Vệ nói: “Tôi có thể chạm con khỉ cái trên đầu mũi gai”. Vua Yên thích, lấy lộc năm cỗ xe để nuôi anh ta. Nhà vua nói: “Ta muốn xem con khỉ cái ông khách chạm trên mũi gai”. Người khách nói: “Nhà vua muốn xem thì phải trai giới nửa năm không vào cung, không uống rượu, ăn thịt. Khi mưa tạnh, mặt trời mọc nhìn ở nơi có bóng râm thì mới có thể thấy con khỉ cái trên mũi gai”. Vua Yên vì vậy nuôi người nước Vệ mà không thấy được con khỉ cái.

Có người thợ đúc nước Trịnh nói với vua Yên “Thần làm cái để chạm. Những vật nhỏ thì phải có đồ chạm mà hình chạm thì phải lớn hơn cái đồ để chạm. Nay cái đầu mũi gai thì không thể chứa đựng được cái mũi dùi. Như thế nhà vua có thể biết ông khách có thể chạm được hay không”. Nhà vua nói “Phải đấy!”. Hỏi người nước Vệ: “Ông khách dùng cái gì để chạm”. Khách đáp: “Tôi lấy cái dùi”. Nhà vua nói: “Ta muốn xem nó”. Người khách nói: “Thần xin về nhà lấy”. Nhân đấy bỏ trốn.

II-2. Nghệ Duyệt là người nước Tống, giỏi biện luận. Ông chủ trương thuyết “Con ngựa trắng không phải là con ngựa”[44] làm cho những người biện luận ở Tắc Hạ nước Tề đều phải phục. Nhưng ông ta cưỡi ngựa trắng đi qua cửa ải thì lại phải đóng thuế ngựa. Cho nên nếu như dùng lời nói suông thì có thể thắng được một nước, nhưng khi xét sự thực, nhìn hình dáng thì không thể lừa được một người!

II-3. Mài mũi tên sắc dương cung bắn, thì dù có nhắm mắt bắn bừa, cái mũi của nó vẫn có khi trúng sợi lông mùa thu. Thế nhưng không bắn đúng chỗ cũ lần thứ hai thì không thể gọi là người bắn giỏi. Vì không có cái đích có sẵn. Đặt cái đích năm tấc, cách xa mười bước, thì nếu không phải Hậu Nghệ, Bàng Mông ắt không thế bắn trúng mãi. Vì có cái đích có sẵn. Cho nên có tiêu chuẩn thì khó mà không có tiêu chuẩn thì dễ. Có cái đích có sẵn thì Hậu Nghệ, Bàng Mông cũng lấy việc bắn trúng cái đích năm tấc làm giỏi; không có cái đích có sẵn cứ bắn liều thì dù trúng sợi lông mùa thu cũng là vụng. Cho nên không có tiêu chuẩn để ứng phó thì các biện sĩ sẽ nói rườm rà. Đặt ra cái tiêu chuẩn và nắm lấy nó mà xét thì đến bậc trí giả cũng còn sợ sai lầm không dám nói liều.

Nay kẻ làm vua nghe lời biện thuyết mà không nắm lấy cái chuẩn để xét, chỉ thích cái tài biện luận mà không căn cứ vào công dụng, khen việc làm mà không xem có đúng tiêu chuẩn không. Điền đó khiến cho kẻ làm vua cứ bị lừa dối mãi, và những kẻ biện thuyết cứ được nuôi dưỡng mãi vậy.

II-4. Có người khách dạy cho vua nước Yên đạo bất tử. Nhà vua cho người đến học nhưng người sứ giả chưa kịp học thì người khách đã chết. Nhà vua cả giận, giết sứ giả. Nhà vua không biết người khách lừa mình, mà giết kẻ đến học chậm trễ. Ôi, tin cái việc không có mà giết bầy tôi vô tội! Vả lại, điều người ta lo lắng nhất không gì bằng thân mình. Không thể tự khiến cho mình không chết làm sao có thể khiến cho nhà vua sống mãi được?

II-5. Có những người nước Trịnh[45] tranh nhau về chỗ nhiều tuổi. Một người nói: Ta cùng tuổi với Nghiêu”. Một người nói: “Ta cùng tuổi với anh của Hoàng đế”. Kiện nhau việc này nhưng không quyết định được. Người nào ngừng lại sau, người ấy thắng mà thôi.

II -6. Có người khách vẽ trên roi ngựa cho vua Chu. Ba năm mới xong. Nhà vua xem thì nó cũng như cây roi sơn. Vua Chu cả giận. Người vẽ roi nói : “Xây một bức tường cao mười bản, khoét một cửa sổ tám thước, lúc mặt trời mới mọc đặt nó trên tường mà xem”. Vua Chu làm thế. Nhìn thấy hình trên cây roi đều thành rồng rắn, chim muông, xe ngựa, có đủ hình dáng muôn vật. Vua Chu rất mừng. Công vẽ cây roi này không phải không tinh vi và rất khó, nhưng công dụng của nó thì cũng như cây roi sơn thường.

II-7. Có người khách vẽ cho vua Tề. Vua Tề hỏi: “Vẽ cái gì khó nhất?”. Người khách nói: “Vẽ chó, ngựa khó nhất”. Hỏi: “Vẽ cái gì dễ nhất?”. Thưa: “Vẽ ma quỷ dễ nhất. Phàm chó và ngựa mọi người đều biết, sớm tối đều thấy trước mắt không thể vẽ đại khái, cho nên khó. Còn ma quỷ là những vật vô hình, không thấy trước mắt cho nên dễ vẽ”.

II-8. Nước Tề có người ẩn sĩ tên là Điền Trọng. Khuất Cốc người nước Tống đến yết kiến nói: “Cốc này nghe nói cái nghĩa của tiên sinh là không nhờ cậy vào người ta để sống. Nay Cốc có quả bầu, bầu cứng như đá, chắc và không có chỗ trống, xin dâng cho thầy”. Trọng nói: “Người ta chuộng bầu là vì nó có thể làm vật chứa đựng. Nay nó dày và không có chỗ trống thì không thể bổ ra để đựng đồ vật. Nó lại nặng và cứng như đá, thì không thể bổ ra để khoét. Ta không dùng bầu làm gì hết”. Thưa: “Như vậy thì Cốc sẽ vứt bỏ nó”. Nay Điền Trọng không sống nhờ người ta, cũng không có ích gì cho nước người ta thì cũng là một loại với quả bầu cứng vậy.

II-9. Ngu Khánh[46] làm nhà, bảo người thợ mộc: “Cái nhà cao quá!”. Người thợ mộc đáp: “Đây là cái nhà mới, vữa còn ướt, cật còn tươi”. Ngu Khánh nói: “Không phải. Vữa ướt thì nặng, cật tươi thì cong. Lấy cái cật tươi mà chịu cái vữa nặng thì nên làm thấp. Lâu ngày thì vữa khô mà cột khô. Vữa khô thì nhẹ, cột khô thì thẳng. Lấy cái cột thẳng mà chịu cái vữa nhẹ thì nhà sẽ càng cao”. Người thợ mộc đuối lý làm theo, nhưng cái nhà sập.

Có thuyết nói: Ngu Khánh sắp làm nhà. Người thợ mộc nói: “Gỗ tươi mà vữa ướt. Phàm gỗ tươi thì cong, vữa ướt thì nặng. Lấy cái cong chịu sức đè của cái nặng thì ngày nay tuy xong nhưng để lâu sẽ sập”. Ngu Khánh nói: “Gỗ khô thì thẳng, vữa khô thì nhẹ. Nay nếu gỗ và vữa khô thì ngày nó một thẳng và nhẹ. Tuy có lâu cũng không sập”. Người thợ mộc đuối lý, làm như thế. Nhà làm xong được ít lâu quả nhiên sập.

Phạm Thư nói: “Cái cung mà gãy là phải vào lúc sắp xong, không phải vào lúc bắt đầu. Người làm cung trương cung lên để vào giá ba tuần rồi buộc dây vào, một ngày sau thì bắn. Như vậy là lúc đầu làm nhẹ mà lúc cuối làm mạnh. Như thế làm sao khỏi gãy”. Phạm Thư nói: “Không phải. Bỏ vào giá một ngày rồi buộc dây, được ba tuần thì bắn. Như vậy là mạnh vào lúc đầu nhưng nhẹ vào lúc cuối!”. Người thợ đuối lý, làm theo. Cái cung gãy.

Phạm Thư, Ngu Khánh đều ăn hơn về lối nói năng văn vẻ, hùng biện, nhưng lại trái với tình hình thực tế. Nhà vua thích mà không cấm cho nên hỏng việc. Phàm không tính cái công nước trị cường binh mà lại thích những lời hùng biện văn vẻ là gạt bỏ kẻ sĩ có thuật trị nước mà dùng bọn làm sập nhà gãy cung vậy. Cho nên bậc làm vua trong việc trị nước đều không giỏi bằng người thợ làm nhà làm cung, và các kẻ sĩ đều bị bọn Phạm Thư, Ngu Khánh làm đuối lý. Lời nói suông là vô dụng nhưng lại thắng, sự việc thực tế cái đạo của nó không thay đổi nhưng lại thua. Các bậc làm vua chúa coi trọng lời biện luận vô dụng, mà coi thường lời nói không thay đổi, cho nên cái loạn sinh ra.

Nay những người làm như Phạm Thư, Ngu Khánh không dứt, mà nhà vua lại cứ nghe không ngăn cấm, như vậy là coi trọng bọn làm sập nhà, gãy cung mà xem nhẹ những người biết cái thuật trị nước như bọn thợ làm nhà, làm cung không thể thi thố cái khéo léo của mình cho nên nhà sập, cung gãy. Những người biết trị nước không thi hành được cái thuật trị nước của mình cho nên nước loạn mà chúa nguy.

II-10. Trẻ con đùa nghịch với nhau lấy đất làm cơm, lấy bùn làm canh, lấy gỗ làm thịt. Nhưng chiều đến, thể nào cũng trở về nhà ăn cơm. Cơm đất, canh bùn có thể đùa để chơi, nhưng không thể dùng để ăn. Khen những điều truyền tụng từ thượng cổ, hùng biện mà không chắc chắn, nói chuyện nhân nghĩa của các tiên vương mà không biết sửa đổi nước, thì đó cũng đều là những điều có thể dùng để đùa chơi chứ không thể dùng để trị nước. Hâm mộ nhân nghĩa mà nước yếu và loạn đó là Tam Tấn[47], không hâm mộ mà nước mạnh và trị yên, đó là nước Tần. Thế nhưng nước Tần vẫn chưa làm đế được là vì cách cai trị của nó chưa trọn vẹn.

III-1. Con người khi còn nhỏ nếu cha mẹ nuôi nấng qua loa, thì khi lớn lên sẽ oán cha mẹ. Đứa con lớn lên phụng dưỡng cha mẹ kém thì cha mẹ giận và mắng nhiếc con. Cha với con là chỗ thân thiết nhất mà còn oán trách nhau, đó đều là vì lo cho nhau không chu đáo như lo cho chính mình. Mượn người làm thuê gieo mạ và cày ruộng cho mình thì ông chủ chịu mất tiền để cho họ ăn ngon, đưa ra tiền và vải để đổi lấy công. Đó không phải là vì yêu người làm thuê, mà vì nói: “Làm như thế thì người cày sẽ cày sâu và bừa kỹ”. Người làm công dốc sức mình lo việc cày bừa, trổ hết tài sửa bờ đất và bờ ruộng, không phải là vì yêu ông chủ. Anh ta nói: “Có thế thì canh sẽ ngon, tiền và vải sẽ lấy dễ hơn”. Như vậy, trong việc ra công sức nuôi dưỡng nhau lại có cái ơn như cha con, bụng lo cho kết quả, nhưng đều vì cái lợi của chính mình.

Cho nên con người làm việc cho và tặng nếu như bụng nghĩ đến việc làm lợi cho người ta thì dù là người nước Việt cũng dễ hoà hợp, còn nếu bụng nghĩ đến việc làm hại cho người ta thì dù cha con cũng cứ chia lìa và oán trách nhau.

III-2. Tấn Văn Công đánh nước Tống, nhưng trước đó rêu rao: “Ta nghe nói vua Tống vô đạo, khinh miệt và làm nhục bậc trưởng lão, chia của cải không đúng, mệnh lệnh, giáo hoá không tin. Ta đến đây vì dân mà trị tội ông ta”.

III-3. Nước Việt đánh nước Ngô, nhưng trước đó rêu rao: “Ta nghe vua Ngô xây đài Như Hoằng, đào ao sâu, làm trăm họ mệt mỏi khổ cực, làm kiệt hết của cải, khiến dân kiệt sức. Ta đến đây vì trăm họ trị tội ông ta”.

III-4. Con gái vua nước Thái được gả cho Tề Hoàn Công làm vợ, Hoàn Công cùng phu nhân chơi thuyền. Phu nhân làm cái thuyền tròng trành, Hoàn Công cả sợ, ngăn cấm nhưng phu nhân vẫn không thôi. Hoàn Công giận đuổi về nước, nhưng sau đó lại mời về. Nước Thái lại gả chồng rồi. Hoàn Công cả giận định đánh nước Thái. Trọng phụ (Quản Trọng) can: “Việc đùa cợt nơi giường chiếu không đủ để đánh nước người ta. Làm thế không thể mong làm nghiệp bá được, xin đừng tính đến chuyện đó nữa”.

Hoàn Công không nghe. Trọng phụ nói: “Nếu không thể không đánh, thì đã ba năm nay nước Sở không nộp cỏ thanh mao cho thiên tử, không bằng bệ hạ cất quân vì thiên tử phạt nước Sở. Nước Sở phục theo rồi, nhân đây quay về đánh úp nước Thái”, nói: “Ta vì thiên tử đánh nước Sở, mà nước Thái không đem binh theo lệnh ta, nhân đó diệt nó đi. Làm như thế thì có được cái tiếng là làm việc nghĩa mà lại có cái lợi thực tế. Cho nên vừa có được cái tiếng là vì thiên tử mà trừng phạt, lại có được cái thực là trả được thù”.

III-5. Ngô Khởi làm tướng nước Nguỵ đánh nước Trung Sơn. Trong quân có người bị bệnh mụt Ngô Khởi quỳ xuống tự mình hút mủ. Mẹ người bị bệnh liền khóc. Có người hỏi bà ta: “Tướng quân đối với con bà như thế còn khóc cái gì nữa?”. Thưa : “Ngô Khởi hút mủ cho vết thương của cha nó mà cha nó chết. Nay con tôi lại sẽ chết. Tôi vì thế mà khóc”.

III-6. Triệu Chủ Phụ sai thợ dùng thang có móc leo lên núi Phiên Ngô, khắc dấu chân người trên núi, bề ngang ba thước, bề dài năm thước, và khắc mấy chữ: “Chủ Phụ thường chơi ở đây”.

III-7. Tần Chiêu Vương sai thợ dùng thang có móc leo lên núi Hoa Sơn, lấy lõi cây tùng, cây bách làm bàn cờ vây, thẻ dài tám thước, con cờ dài tám tấc, và khắc: “Chiêu Vương thường cùng các thiên thần chơi cờ ở đây”.

III-8. Tấn Văn Công trở về nước, đi qua sông Hoàng Hà, sai ném chén tre, vứt bỏ những chiếu nệm, cho những người tay chân chai sạn, mặt mày đen đủi được lui. Cữu Phạm nghe vậy đang đêm khóc. Công nói: “Quả nhân chạy trốn ra nước ngoài hai mươi năm, nay được về nước, Cữu Phạm nghe tin không mừng lại khóc, phải chăng không muốn quả nhân về nước sao?”. Cữu Phạm đáp: “Chén bát bằng tre là để đựng thức ăn, chiếu nệm là để mà nằm, nay nhà vua vứt bỏ. Những người chân tay chai sạn, mặt mày đen đùi, là những người vất vả và có công. Thế mà nhà vua cho lui. Lòng tôi không xiết buồn bã cho nên khóc. Vả lại, thần đã vì nhà vua làm nhiều điều dối trá để cho nhà vun trở về nước, chính thần còn tự ghét mình huống gì nhà vua?”.

Cữu Phạm lạy hai lạy để ra đi, Văn Công ngăn lại mà rằng: “Tục ngữ có câu “Kẻ xây đền xã thì xắn áo để xây, nhưng đội mũ ngay ngắn để tế”. Nay ông cùng ta lấy được nước mà lại không cùng ta trị nước, ông cùng ta xây đền xã mà không cùng ta tế thần thì sao được?”. Bèn tháo con ngựa ở bên trái cỗ xe, ăn thề ở sông Hoàng Hà.

III-9. Có người huyện Trịnh là Bốc Tử, sai vợ may quần. Vợ hỏi: “May quần như thế nào?”. Người chồng nói: “Giống như cái quần cũ của tôi”. Người vợ bèn làm hỏng cái quán mới để cho nó giống như cái quần cũ.

III-10. Có người huyện Trịnh được cái ách xe nhưng không biết là cái gì, anh ta hỏi người ta. Người kia đáp: “Đó là cái ách xe”, lát sau được một cái ách xe, anh ta hỏi người ta: “Cái này là cái gì? . Người kia đáp: “Đó là cái ách xe”. Người hỏi cả giận nói: “Hồi nãy nói là cái ách xe, bây giờ lại nói là cái ách xe, ách xe gì mà nhiều thế? Đây là mày lừa tao”. Bèn đánh nhau với người kia.

III-11. Có người nước Vệ bắn tên có buộc dây. Chim đến, anh ta bèn trước đó lấy cuộn dây vẫy con chim. Chim hoảng sợ nhưng anh ta không bắn. III-12. Có người ở huyện Trực là Bốc Tử. Vợ ra chợ mua một con rùa đem về, đi qua sông Dịch Thuỷ, chị vợ cho là rùa khát nước, nên thả cho nó uống nước. Kết quả mất con rùa.

III-13. Có người trẻ hầu rượu người lớn tuổi Người lớn tuổi uống, anh ta cũng tự mình uống[48]

Có thuyết nói: Có người nước Lỗ hay bắt chước. Thấy người lớn tuổi uống rượu không hết nên nhổ ra, anh ta cũng bắt chước nhổ ra. Có thuyết nói: Có người nước Tống trẻ tuổi muốn học khôn, thấy người lớn tuổi uống hết nhẵn, tuy anh ta không thể uống cạn cũng muốn uống hết nhẵn.

III-14. Sách nói: Buộc dây đai, buộc dây nịt”. Có người nước Tống đọc sách nhân thế lấy hai dây đai buộc vào mình. Người ta hỏi: “Sao lại làm thế?”. Anh ta đáp: “Vì sách nói, cho nên làm thế”.

III-15. Sách nói: “Đã giồi, đã mài lại quay trở về sự mộc mạc”. Nước Lương có người đọc, trong việc cử động, làm lụng, nói năng đều muốn làm hệt như sách. Ngày ngày anh ta trau dồi như vậy cho nên bỏ mất cái chân thực. Người ta hỏi: “Tại sao làm thế?”. Anh ta đáp: “Vì sách nói nên làm thế”.

III-16. Có người đất Sinh viết thư cho vị tướng quốc nước Yên. Thư viết ban đêm, ngọn lửa không sáng, nên bảo người cầm đuốc: “Giơ cây đuốc lên”. Miệng nói rồi viết lầm vào thư “Giơ cây đuốc” lên nhưng trong bức thư không có cái ý giơ đuốc. Vị tướng quốc nước Yên nhận bức thư vui lòng, nói “Giơ đuốc lên, tức là chuộng cái sáng, chuộng cái sáng, tức là tiến cử người hiền và dùng họ!”. Viên tướng quốc nước Yên trình bày với nhà vua, nhà vua cả mừng. Nước như thế mà trị an. Nước trị an thì có trị an, nhưng đó không phải là cái ý của bức thư. Các học giả ngày nay nhiều người là thuộc loại ấy.

III-17. Có người nước Trịnh mua giày. Trước đó anh ta đo chân mình rồi để cái đo ở bên chỗ ngồi. Anh ta ra chợ quên mang nó theo. Khi đã tìm được đôi giày, anh ta lại nói: “Tôi quên mất cái đo”. Chạy về nhà lấy. Khi quay trở về chợ thì chợ đã tan, cho nên không mua được giày nữa. Có người hỏi: “Tại sao không lấy chân mà thử?”. Anh ta nói: “Thà tin vào cái đo còn hơn là tin vào chính mình”.

IV-1. Vương Đăng làm quan lệnh ở đất Trung Mâu, thưa với Tương Chủ: “Đất Trung Mâu có hai kẻ sĩ là Trung Chương và Tư Dĩ, trau dồi thân mình rất tốt, học rất rộng. Tại sao ngài không dùng họ?”. Tương Chủ nói: “Nhà ngươi đến gặp họ, ta sẽ cho họ làm trung đại phu”. Viên tướng quốc can: “Chức trung đại phu là chức quan to của nước Tấn. Nay họ không có công mà được làm, đó không phải là nguyên tắc dùng bầy tôi của nước Tấn. Ngài chỉ nghe mà chưa nhìn thấy họ có phải không?”. Tương Chủ nói: “Ta dùng Vương Đăng là cũng nghe nói rồi mới gặp. Người ông ta chọn cũng nghe rồi mới gặp. Vì thế những người tai mắt không bao giờ hết”.

Vương Đăng một ngày gặp hai ông trung đại phu, cấp cho họ ruộng và nhà. Những người đất Trung Mâu bỏ cày bừa, chạy theo văn học đến nửa ấp. IV-2. Thúc Hướng ngồi cạnh Bình Công trình bày công việc. Công đau bắp chân, chân mỏi, nhưng chỉ xoay gân bắp mà không dám bỏ chỗ ngồi. Người nước Tấn nghe vậy, đều nói: “Thúc Hướng là người hiền, Bình Công lấy lỗ đối đãi với ông ta, chuyển gân bắp mà không dám bỏ chỗ ngồi”. Những người nước Tấn từ bỏ chức quan mộ theo Thúc Hướng đến một nửa.

IV-3. Huyện Trịnh có anh chàng Khuất Công, nghe có giặc sợ mà chết, cơn sợ hết lại sống.

IV-4. Triệu Chủ Phụ sai Lý Ty xem nước Trung Sơn có thể đánh được không. Ty quay trở về báo: “Có thể đánh Trung Sơn được. Nhà vua không đánh ngay thì sẽ ở sau nước Tề, nước Yên”. Chủ Phụ nói: “Tại sao lại có thể đánh được?”. Lý Ty đáp: “Ông vua nước ấy thích kẻ sĩ trong hang động, ông ta nghiêng lọng, ngồi chung xe với họ để thăm những kẻ sĩ trong hang cùng ngõ hẻm đến hàng chục lần, giữ lễ đối với những kẻ sĩ áo vải hàng trăm lần”. Nhà vua nói: “Theo như lời ông nói thì đó là ông vua hiền, làm thế nào có thể đánh được?”. Ty đáp: “Không phải thế. Phàm thích những kẻ sĩ ở trong hang động mà mời họ đến triều đình thì chiến sĩ sẽ lười biếng ở nơi hàng trận. Bề trên tôn quý các học già, những kẻ sĩ được chiếu cố đến ở trong triều thì những người cày sẽ lười biếng ở đồng ruộng. Chiến sĩ lười biếng ở nơi trận mạc, thì binh yếu. Người cày lười ở đồng ruộng thì nước nghèo. Quân yếu trong việc đối phó với địch, nước nghèo ở bên trong mà lại không mất là chuyện chưa hề có. Đánh nó chẳng phải là đúng sao?”. Chủ Phụ nói “Hay”. Cất quân đánh Trung Sơn, bèn diệt nước ấy.

V-l. Tề Hoàn Công thích mặc màu tía, cả nước đều mặc màu tía. Năm tấm vải trắng không đắt bằng một tấm vải tía. Hoàn Công lấy làm lo, bảo Quản Trọng: “Quả nhân thích mặc đồ tía. Đồ tía đắt quá. Cả nước trăm họ đều thích mặc đồ tía không thôi. Quả nhân nên làm như thế nào?”. Quản Trọng nói: “Tại sao bệ hạ không thử không mặc đồ tía, và nói với những người chung quanh ta rất ghét màu tía xấu. Ngay đó những người chung quanh có người dâng áo màu tía, bệ hạ cứ nói: “Lui đi, ta rất ghét màu tía xấu”. Hoàn Công nói: “Phải đấy”.

Trong ngày hôm ấy, trong những người hầu không ai mặc màu tía. Sang ngày hôm sau, trong cả nước không ai mặc màu tía. Trong ba ngày trong biên giới không đi mặc màu tía nữa.

Một thuyết khác. Vua nước Tề thích tía, người nước Tề cũng đều thích.

Trong nước, năm tấm vải trắng giá không bằng một tấm vài tía

Vua nước Tề lo màu tía đắt. Quan thái phó với nhà vua: “Kinh thi nói: Mình không noi theo, thứ dân không tin”. Nay nhà vua muốn dân không mặc màu tía, thì nhà vua cứ bỏ áo màu tía để ra triều. Các quan người nào mặc đồ tía tiến đến gần thì nói: “Đứng xa ra, quả nhân ghét màu xấu”. Ngày hôm ấy, trong cung không ai mặc đồ tía; tháng ấy, trong nước không ai mặc đồ tía; năm ấy, trong biên giới không ai mặc đồ tía.

V-2. Trịnh Giản Công bảo Tử Sản: “Nước Trịnh nhỏ bị ép giữa nước Kinh và nước Tấn. Nay thành quách không dựng xong, binh giáp không đầy đủ, không thể đối phó với chuyện không hay”. Tử Sản nói: “Thần đóng cái cửa ngoài đã xa rồi, lại giữ cái bên trong đã chắc rồi. Tuy nước nhỏ cũng không bị nguy. Xin bệ hạ chớ lo”. Nhờ vậy suốt đời Giản Công không phải lo lắng.

V-3. Từ Sản làm tướng quốc nước Trịnh. Giản Cóng bảo Tử Sản: “Uống rượu không vui, đồ để tế không lớn, chuông trống, đàn sáo không kêu, đó là cái tội của quả nhân. Nếu nước nhà không ổn định, trăm họ không trị an, việc cày và chiến đấu không chu đáo, đó là cái tội của ông. Ông có chức phận, quả nhân cũng có chức phận”.

Tử Sản lui ra lo việc chính trị năm năm. Nước không có giặc cướp, ngoài đường không nhặt của rơi, đào, táo rợp bóng bên đường không ai trèo. Cái dùi, con dao rơi ngoài đường trong ba ngày có thể trả lại cho chủ. Ba năm mất mùa, dân chúng không có sắc đói.

V-4. Tống Tương Công cùng quân Sở đánh nhau ở Trạc Cốc. Quân Tống đã dàn thành hàng ngũ, nhưng quân Sở còn chưa vượt qua sông. Quan Hữu tư mã là Cấu Cường chạy đến nói với nhà vua: “Người Sở thi đông mà người Tống thì ít. Xin để cho quân Sở qua sông một nửa, chưa thành hàng ngũ mà đánh nó thì thế nào cũng đánh bại”. Tương Công đáp: “Quả nhân nghe người quân tử nói: Không đâm người đã bị thương một lần, không bắt người có hai thứ tóc, không đẩy người ta vào chỗ hiểm, không bức người ta ở chỗ nguy, không đánh người ta khi người ta chưa thành hàng ngũ. Nay quân Sở chưa qua sông mà ta lại đánh nó, thì có hại đến nghĩa. Hãy để cho quân Sở qua sông hết, lập thành trận rồi sẽ đánh trống giục binh sĩ tiến lên”. Quan Hữu tư mã nói: “Bệ hạ không thương dân Tống, trong bụng không yên, chỉ có lo đến nghĩa mà thôi”. Công nói: “Nhà ngươi không quay trở về hàng ngũ thì ta thi hành quân pháp”.

Hữu tư mã trở về hàng ngũ. Quân Sở đã xếp thành hàng, bày trận, Tống Tương Công mới đánh trống tiến công. Quân Tống thua to. Tương Công bị thương ở đùi, ba ngày sau thì chết. Đó là cái hoạ tự mình làm theo nhân nghĩa.

Ôi! Nếu như cứ phải đợi các vua chúa tự mình làm gương rồi sau đó dân chúng mới nghe phải để cho bậc vua chúa cày để ăn, mang khí giới sắp hàng nơi chiến trận rồi dân mới chịu đi cày và đánh giặc. Như vậy thì ông vua chẳng phải quá nguy mà các bầy tôi chẳng phải quá yên sao?

V-5. Tề Cảnh Công đi chơi ở Thiếu Hải. Một kỵ sĩ từ trong nước đến yết kiến nói: “Cụ Anh đau nặng, sắp chết. Sợ nhà vua về không kịp”[49]. Cảnh Công đứng dậy ngay. Một kỹ sĩ báo tin khác lại đến Cảnh Công nói: “Hãy nhanh nhanh thắng cỗ xe Phiền Thả, sai Hàn Khu đánh xe”. Đi được vài trăm bước, cho rằng người đánh xe cho xe chạy không nhanh, giật lấy dây cương để đánh xe. Đánh xe được vài trăm bước, cho rằng ngựa không tiến lên, bỏ xe chạy bộ. Cho cỗ xe ngựa tốt như Phiên Thả, người đánh xe ngựa giỏi như Hàn Khu mà còn không nhanh bằng chạy bộ.

V-6. Nguỵ Chiêu Hầu muốn làm công việc của các quan lại, bảo Mạnh Thường Quân: “Quả nhân muốn làm việc các quan”. Mạnh Thường Quân nói: “Nhà vua muốn làm công việc của các quan thì lại sao lại không thử đọc luật pháp?”. Chiêu Vương đọc luật pháp được trên mười thẻ tre thì ngủ gục. Nhà vua nói: ”Quả nhân không thể đọc thì luật pháp này!”.

Ôi! Không tự mình nắm lấy cái quyền bính mà lại muốn làm những điều bầy tôi phải làm thì ngủ gục chẳng phải là đúng sao?

V-7. Khổng Tử nói: “Kẻ làm vua cũng như cái chén, dân cũng như nước. Cái chén vuông thì nước vuông, cái chén tròn thì nước tròn”.

V-8. Vua nước Trâu thích mang dây mũ dài. Những người chung quanh đều mang đây mũ dài. Dây mũ rất đắt. Vua nước Trâu lo. Những người chung quanh nói: “Nhà vua thích đeo, trăm họ nhiều người đeo, cho nên đắt”.

Nhà vua nhân đó tự mình cắt cái dải mũ trước tiên rồi đi ra. Những người trong nước đều không mang dải mũ dài. Nhà vua không thể ra lệnh về cách ăn mặc của trăm họ để cấm họ để dải mũ dài, nên cắt dải mũ để làm gương cho dân. Như vậy là tự mình chịu nhục trước để trị dân vậy.

V-9. Thúc Hướng ban lộc, kẻ có công nhiều thì được lộc nhiều, kẻ có công ít thì được lộc ít.

V-10. Hàn Chiêu Hầu bảo Thân Từ: “Pháp độ thật không dễ thi hành”. Thân Tử nói: “Pháp luật là thấy có công mới thưởng, tuỳ theo tài năng mà trao quan chức. Nay nhà vua đặt ra phép tắc, chế độ, nhưng lại nghe theo những lời cầu xin của những người chung quanh, cho nên khó thi hành pháp luật”. Hàn Chiêu Hầu nói: “Từ nay trở đi ta biết thi hành pháp luật rồi. Quả nhân không nghe lời cầu xin nữa”.

Một hôm Thân Tử xin cho người anh họ được làm quan. Chiêu Hầu nói: “Điền đó không phải là điều ta học ở ông. Ta nên nghe theo lời xin của ông mà bỏ cái đạo của ông hay là không nghe theo lời cầu xin của ông?”. Thân Tử lui về nhà xưng tội.

VI-1. Tấn Văn Công đánh đất Nguyên, mang lương mười ngày. Rồi hẹn kỳ hạn với các quan đại phu là mười ngày. Đến đất Nguyên mười ngày mà không hạ được. Tấn Văn Công đánh chiêng rút lui, bãi binh về. Có kẻ sĩ từ trong thành Nguyên ra nói: “Thành Nguyên lương cạn, sức hết, ngài hãy đợi”. Công nói: “Ta đã hẹn với quân sĩ là mười ngày, nếu không rút lui thì bỏ mất chữ tín của ta. Được thành Nguyên nhưng bỏ mất chữ tín thì ta không làm”. Bèn bãi binh rút lui.

Người thành Nguyên nghe vậy, nói: “Có vị vua giữ chữ tín như vậy, lẽ nào lại không theo về?”. Bèn hàng theo Công. Người nước Vệ nghe vậy, nói: “Có vị vua giữ chữ tín như vậy, lẽ nào lại không theo? “. Bèn theo hàng Công. Khổng Tử nghe vậy ghi lại như sau: “Đánh thành Nguyên mà được nước Vệ là nhờ chữ tín”.

VI-2. Tấn Văn Công hỏi Cơ Trịnh: “Cứu đội bằng cách gì?”. Thưa: “Bằng chữ tín”. Công hỏi “Tin cái gì?”. Thưa: “Tin cái danh. Tin cái danh thì các bầy tôi giữ chức vụ, người thiện kẻ ác không giẫm lên nhau, trăm việc không trễ nải. Tin sự việc thì không bỏ mất thiên thời, trăm họ không vượt địa vị của mình. Tin cái nghĩa thì người gần thân với mình được khuyến khích và cố gắng và người xa sẽ theo mình”.

VI-3. Ngô Khởi đi ra, gặp người quen cũ, mời người kia về ăn cơm. Người bạn cũ nói: “Vâng ạ, tôi sẽ về ăn”. Ngô Khởi nói: “Tôi đợi ông về sẽ ăn”. Người bạn cũ đến tối không lại, Khởi không ăn, vẫn đợi. Sáng ngày hôm sau tìm người quen. Người quen đến. Khởi mới cùng ăn với ông ta.

VI-4. Nguỵ Văn Hầu hẹn đi săn với quan coi rừng. Ngày hôm sau, gặp trời gió to. Những người chung quanh ngăn, Nguỵ Văn Hầu không nghe, nói: “Không được. Vì gió to mà thất tín thì ta không làm”. Bèn tự mình cưỡi xe đi ra, xông pha mưa gió, bỏ cuộc đi săn với người coi rừng.

VI-5. Vợ Tăng Tử đi chợ. Đứa con theo sau khóc. Bà mẹ nói: “Mày về, khi về mẹ giết lợn cho con ăn”. Bà vợ đi chợ về, Tăng Tử muốn bắt lợn giết. Bà vợ can lại và nói: “Chỉ là đùa chơi với con trẻ thôi”. Tăng Tử nói: “Với trẻ con không có nói đùa. Trẻ con không biết gì, cứ học theo cha mẹ. Nó nghe theo lời cha mẹ dạy. Nay bà lừa nó, thế là dạy cho con lừa. Mẹ lừa con, con mà không tin mẹ, đó không phải là cách dạy con”. Bèn nấu con lợn.

VI-6. Sở Lộ Vương có tin tức nguy cấp thì làm cái trống để cùng trăm họ gìn giữ. Vua uống rượu say, gỗ nhầm vào trống. Dân chúng cả kinh, vua khiến người ngăn cản. Nói: “Ta say chơi với những người chung quanh, nhỡ đánh trống”. Dân đều rút lui. Được vài tháng, có điều nguy cấp, đánh trống nhưng dân chúng không chạy đến. Vua bèn thay đổi hiệu lệnh làm sáng tỏ hiệu lệnh thì dân mới tin theo.

VI-7. Lý Khôi dặn hai người ở hai bên: “Cẩn thận coi chừng quân địch, sớm tối chúng sẽ đến đánh các ngươi”. Nói như thế hai ba lần mà quân địch cũng không đến. Hai người hai bên đâm lười biếng, không tin Lý Khôi. Được vài tháng, quân Tần đến đánh úp, suýt nữa cướp được cả đạo quân. Mối lo của việc không tin là như thế.

Một thuyết nói: Lý Khôi đánh nhau với quân Tần, nói với những người chung quanh: “Leo lên nhanh, phía bên phải đã leo lên rồi!”. Lại ruổi ngựa đến nói với những người bên phải: “Bên trái người ta đã leo lên rồi!”. Những người canh cửa bên trái và bên phải đều tranh nhau leo lên. Năm sau, ông cùng quân Tần đánh nhau. Quân Tần đánh úp, suýt nữa cướp toàn quân. Mối lo của việc không giữ chữ tín là như thế đấy.

VI-8. Có những người kiện nhau. Tử Sản tách hỏi riêng ra, không cho họ nói với nhau, đảo ngược lời nói của người này đem nói với người kia và biết sự thực.

VI-9. Vệ Tự Quân sai người đi qua cửa ải. Người coi cửa ải gây khó dễ với anh ta, anh ta dùng vàng để cho người giữ cửa. Tự Quân bảo người giữ cửa: “Giờ nào đó, có người khách đi qua cho nhà ngươi vàng. Ngươi mới cho anh ta đi”. Người coi cửa ải cả sợ, cho Tự Quân là người xét đoán sáng suốt.

Chú thích[sửa]

[38] Chương này trình bày trước hết phần kinh dưới hình thức những nguyên lý. Sau đó từng nguyên lý một sẽ được giải thích trong phần truyện ở dưới. Để tiện cho việc theo dõi, phần kinh được đánh số La Mã, phần truyện được đánh số ả Rập. Như vậy, trong một phần kinh chẳng hạn có nhiều phần truyện 1, 2, v.v…

[39] Câu này bản gốc viết là “úy, chân, chiêm, xa” không có nghĩa gì hết. Theo Trần Ky Du, úy đồng âm với Ngụy là chỉ Ngụyj Mâu; chấn là Trấn chỉ Trần Biên (Doãn Đồng Dương lại nói đó là Thân chỉ Thân Đáo; Chiêm là Chiêm Hà, người được Trang Tử khen “Chiêm Hà là người biển”; Xa là Trang chỉ Trang Chu. Những người này đều thích nói chuyện quái lạ.

[40] Đây chỉ các người ở ẩn đều sử dụng như quả bầu đã khô.

[41] Kinh thi, Tiểu nhã, thiên Tiết Nam sơn.

[42] Tần Bá: Đây là chuyện Tần Mục Công gả con gái cho công tử Trùng Nhĩ sau này là Tấn Văn Công.

[43] Nguyên văn là hai người, nhưng xét câu nói thì câu thì nhất là của người nấu bếp, câu thì hai là của người thợ đúc.

[44] Vì con ngựa là khái niệm chung trừu tượng còn trong đời chỉ có con ngựa cụ thể màu trắng hay màu đen v.v… Do đó con ngựa trắng không phải là con ngựa khái niệm.

[45] Trong các chuyện ngụ ngôn, việc gì dành cho người ngu đều gán cho nước Trịnh.

[46] Ngu Khanh và Phạm Thư đều là những biện sĩ nổi tiếng thời Chiến quốc; Sử ký có Phạm Thư, Ngu Khanh liệt truyện, Khánh và Khanh xưa là đồng âm.

[47] Ba nước Hàn, Triệu, Ngụy vào thời Xuân Thu trước đều thuộc vào nước Tấn, đến đầu Chiến quốc mới tách làm ba, cho nên gọi chung là Tam Tần

[48] Khúc lễ: Kẻ lớn uống rượu chưa xong, người nhỏ không dám uống.

[49] Tướng quốc nước Tề tên là Án Anh.