Sách Hàn Phi Tử/Chế định hình phạt và phân tội rõ ràng (Chế phân)

Tủ sách mở Wikibooks
1.

Nói chung, nước rộng vua được đề cao bao giờ cũng là nhờ pháp luật được trọng nên có thể làm cho mệnh lệnh và sự cấm đoán được thi hành trong thiên hạ. Vì vậy, kẻ làm vua chúa phải chia tước, chế định lộc, do đó pháp luật phải nghiêm để làm cho việc này được tôn trọng. Phàm nước mà trị thì dân yên, sự việc mà rối loạn thì nước nguy. Người làm cho pháp luật được trọng thì được lòng người; người làm cho sự ngăn cấm nhẹ thì làm hỏng bản chất của sự việc.

Vả lại, dốc hết sức mình đó là điều mọi người dân đều có sẵn, tình cảm con người không ai không ra sức liều chết để đạt được cái mình mong muốn. Nhưng cái người ta yêu hay ghét là cái nhà vua phải xác định. Dân vốn ham lợi và ghét hình phạt. Người trên nắm lấy cái ưa ghét này mà khống chế dân thì cái bản chất của sự việc sẽ không bỏ mất. Thế nhưng nếu như ngăn cấm nhẹ và sự việc hỏng thì hình phạt và khen thưởng cũng hỏng. Trị dân mà không nắm lấy pháp luật, mà làm theo cái thiện (nhân nghĩa) thì là không có pháp luật. Cho nên cái lý của việc trị hay loạn trước hết cần phân rõ thưởng và phạt. Những người trị nước không ai không có pháp luật, nhưng có người còn, có kẻ mất. Người mất là vì việc chế định hình phạt và khen thưởng không rạch ròi.

Trong nước trị an, hình phạt và khen thưởng không có cái nào là không có sự phân biệt. Có người chủ trương hình phạt và khen thưởng khác nhau thế là đã có sự phân biệt rồi. Nhưng đó không phải là có sự phân biệt. Còn khi xem xét kỹ sự phân biệt của nhà vua, thì đó là sự phân biệt các thứ bực, cho nên dân trọng pháp luật mà sợ những điều ngăn cấm, lo không phạm tội nên không dám chờ thưởng (nếu không có công). Cho nên nói: không đợi hình phạt và khen thưởng mà dân đã nghe theo trong công việc vậy.

2.

Vì vậy cho nên cái nước trị an cao nhất thì khéo lo việc ngăn cấm điều gian. Tại sao thế? Vì pháp luật của nó thấu suốt tình cảm con người, liên quan đến cái lý của việc cai trị. Thế nhưng làm cách nào để trừ bỏ cái gian tinh vi? Phải khiến cho dân rình xem ẩn tình của nhau. Nhưng làm thế nào để cho họ rình xem ẩn tình của nhau? Xin thưa: Chỉ có cách bắt những người cùng xóm chịu tội chung mà thôi. Khi vi phạm điều cấm hay khen thưởng có liên quan đến mình thì người ta chỉ sợ không khỏi tội, không để cho kẻ có bụng gian có thể làm điều gian, vì người rình xem đông. Như vậy thì ai cũng thận trọng về bản thân mình và rình mò người khác. Khi phát giác được điều gian kín đáo thì kẻ tố giác sai lầm được khỏi tội và được thường, còn để sổng kẻ gian thì bị trừng phạt và bị hình phạt cùng với kẻ gian. Như vậy thì mọi loạn gian đều phát hiện được. Nếu điều gian dù nhỏ cũng không tha đó là nhờ chế độ tố giác riêng và chịu liên đới trách nhiệm khiến như vậy.

3.

Nói chung, phép trị nước sáng suốt nhất là dùng phép chứ không dùng người. Cho nên cái nước có thuật trị nước không dùng lời khen thì vô địch, ở trong bờ cõi thế nào cũng trị yên, đó là vì dùng phép, tắc. Nước mất để quân địch tự do đánh vào nước mình mà không thể ngăn cấm được, vì nó dùng người chứ không dùng phép tắc. Nước tự đánh mình là vì dùng người, nước đánh người ta là vì dùng phép tắc. Cho nên cái nước có thuật trị nước gạt bỏ lời nói mà dùng phép tắc.

Nói chung, cái công lao giả dối nhưng theo đúng sự giao ước thì khó biết, cái ai tô vẽ ở lời nói thì khó thấy. Cho nên hình phạt và khen thưởng thường sai vì không thống nhất. Cái gọi là theo giao ước và khó thấy là cái công gian dối, sai lầm của bầy tôi khó thấy là vì bỏ mất cái gốc rễ. Xét theo lý lẽ thì không nhìn thấy cái công hư nguỵ, xét tình cảm thì bị cái căn rễ dối trá lừa dối, cả hai cái này (thưởng và phạt) làm sao khỏi sai cả hai? Cho nên những kẻ sĩ hư nguỵ nổi tiếng ở trong nước và những kẻ nói năng tính mưu kế ở nước ngoài. Kết quả là người ngu si, khiếp nhược cùng với kẻ dũng cảm riêng khôn lỏi kéo nhau đến và họ lấy cái đạo hư nguỵ, theo tục để được đòi dung nạp. Kết quả, pháp luật không được dùng, còn hình phạt thì không trị kẻ đáng trừng trị. Làm như thế thì hình phạt khen thưởng làm sao khỏi có chỗ sai?

Cho nên cái trí khôn quả thực có thể hiểu được nhang cách tính toán bỏ mất cái quy tắc của nó. Đó không phải vì pháp luật khiến như thế mà vì tuy đã xác định pháp luật rồi, nhưng vẫn dùng cái khôn lỏi. Bỏ pháp luật mà dừng cái khôn lỏi thì người chịu trách nhiệm làm sao có thể làm tròn nhiệm vụ của mình? Nhiệm vụ đã không thích hợp với công việc thì làm sao pháp luật khỏi có sự sai sót, và hình phạt làm sao khỏi phiền phức? Kết quả là thưởng và phạt rối loạn, đạo trị nước sai lầm, hình phạt và khen thưởng không phân biệt rõ ràng vậy.

“…Pháp luật không hùa theo người sang… Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu …”