Nước Mỹ với chủ nghĩa bảo thủ mới và trật tự thế giới mới/9

Tủ sách mở Wikibooks

Chiến tranh Vùng Vịnh

Sự hoan hỷ do Chiến tranh Lạnh kết thúc đã bị lu mờ đáng kể bởi sự kiện Irắc xâm lược đất nước Cô-oét nhỏ bé ngày 2/8/1990. Irắc, dưới thời Saddam Hussein và Iran dưới chế độ Hồi giáo cực đoan mới nổi lên thành hai cường quốc quân sự và dầu mỏ tại khu vực Vùng Vịnh Ba Tư. Hai quốc gia này đã có mắc mớ với Hoa Kỳ trong những năm 1980. So với Iran thì Irắc ít đối địch với Mỹ hơn và đã nhận được một số trợ giúp từ chính quyền Reagan và Chính quyền Bush. Việc Irắc chiếm đóng Cô-oét và hiểm họa mà Irắc đặt ra đối với Ả Rập Xê Út chỉ trong chốc lát đã làm thay đổi mọi tính toán ngoại giao của Hoa Kỳ.

Tổng thống Bush đã lên án mạnh mẽ hành động của Irắc và yêu cầu Irắc lập tức rút quân vô điều kiện. Đồng thời, ông cũng gửi ngay một lực lượng quân đội đông đảo đến Trung Đông. Tổng thống cũng đã tập hợp một trong những khối đồng minh quân sự và chính trị đặc biệt nhất trong lịch sử hiện đại bao gồm các lực lượng quân sự từ châu Á, châu Âu, châu Phi và từ chính các nước Trung Đông. Trong nhiều ngày và nhiều tuần sau khi xảy ra cuộc xâm lược, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua 12 nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Irắc và áp đặt những biện pháp trừng phạt quy mô lớn về kinh tế đối với quốc gia này. Vào ngày 29/11, Hội đồng Bảo an đã phê chuẩn việc quân đội các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sử dụng lực lượng vũ trang nếu Irắc không rút quân khỏi Cô-oét trước ngày 15/1/1991. Liên bang Xô Viết của Gorbachev – một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho Irắc – đã không làm gì để bảo vệ vị khách hàng cũ của mình.

Bush cũng phải đối đầu với các vấn đề lớn liên quan đến hiến pháp. Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho cơ quan lập pháp quyền được tuyên chiến. Tuy nhiên, vào nửa sau thế kỷ XX, Hoa Kỳ đã dính líu vào Việt Nam và Triều Tiên mà không tuyên bố chính thức chiến tranh và chỉ được sự đồng ý rất mơ hồ từ cơ quan lập pháp là Quốc hội. Vào ngày 12/1/1991, ba ngày trước khi đến hạn rút quân cuối cùng mà Liên Hợp Quốc đã đưa ra, Quốc hội đã cho phép Tổng thống Bush có được thẩm quyền mà ông đã vận động – thẩm quyền tiến hành chiến tranh rõ ràng và mạnh mẽ nhất được trao cho một vị tổng thống trong suốt gần nửa thế kỷ.

Liên quân Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ý, Ả Rập Xê Út, Cô-oét và các quốc gia khác đã thành công trong việc giải phóng Cô-oét bằng một chiến dịch không kích phá hủy do Hoa Kỳ chỉ huy kéo dài hơn một tháng. Tiếp theo chiến dịch này là một cuộc tấn công ồ ạt vào Cô-oét và Irắc bằng các lực lượng thiết giáp và bộ binh đổ bộ bằng đường không. Với tốc độ, tính cơ động và hỏa lực vượt trội của mình, liên quân đã áp đảo lực lượng quân đội Irắc trong một chiến dịch tấn công trên bộ kéo dài chỉ trong vòng 100 giờ.

Tuy nhiên, chiến thắng vẫn chưa trọn vẹn và liên quân vẫn chưa thấy hài lòng. Nghị quyết của Liên Hợp Quốc chỉ kêu gọi lực lượng liên quân đánh đuổi Irắc ra khỏi lãnh thổ Cô-oét. Song Saddam Hussein vẫn cầm quyền và đàn áp tàn bạo người Kurd ở miền Bắc và người Shiite ở miền Nam, cả hai dân tộc này đều được Hoa Kỳ trợ giúp trong cuộc khởi nghĩa của họ. Hàng trăm giếng dầu bị quân Irắc chủ tâm đốt cháy đã cháy cho đến tận tháng 11 mới được dập tắt hết. Chính quyền Saddam cũng toan tính cản trở các thanh tra của Liên Hợp Quốc đến Irắc theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an để xác định vị trí và phá hủy các loại vũ khí giết người hàng loạt của Irắc, bao gồm cả các thiết bị hạt nhân hiện đại hơn người ta nghĩ trước đó và những kho vũ khí hóa học khổng lồ.

Chiến tranh Vùng Vịnh đã khiến Hoa Kỳ có thể thuyết phục được các quốc gia ảrập, Israel và đoàn đại biểu Palestine bắt đầu các cuộc thương lượng trực tiếp nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp và có quan hệ đan xen lẫn nhau để cuối cùng có thể tiến tới một nền hòa bình lâu dài trong khu vực. Các cuộc hội đàm đã bắt đầu ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 30/10/1991. Các cuộc đàm phán bí mật ở Na Uy đã dẫn tới một Thỏa thuận lịch sử giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine được ký tại Nhà Trắng ngày 13/9/1993.