Nước Mỹ với chủ nghĩa bảo thủ mới và trật tự thế giới mới/7

Tủ sách mở Wikibooks

Ngân sách và các khoản thâm hụt

Tuy nhiên, những nỗ lực của Chính quyền Bush nhằm kiểm soát được các khoản thâm hụt ngân sách lại gặp rất nhiều khó khăn. Một căn nguyên của khó khăn đó là cuộc khủng hoảng về tiết kiệm và cho vay. Các ngân hàng tiết kiệm – trước kia được quản lý rất chặt chẽ với lãi suất tiết kiệm thấp đối với dân thường – nay được phi điều tiết, cho phép các ngân hàng có thể cạnh tranh khốc liệt hơn nhờ trả lãi suất cao hơn nhưng cũng khiến rủi ro của các khoản vay trở nên lớn hơn. Việc nâng mức bảo hiểm tiền gửi của Chính phủ đã làm giảm cầu của người tiêu dùng đối với các tổ chức tiền gửi có uy tín. Gian lận, quản lý tồi, cùng những xu hướng sa sút trong kinh tế đã dẫn tới những trường hợp không có khả năng trả nợ và phá sản trong những tổ chức tiết kiệm này (tổ chức tiết kiệm là một thuật ngữ chung để chỉ những tổ chúc hướng về người tiêu dùng như những hiệp hội tiết kiệm và cho vay, hay các ngân hàng tiết kiệm). Cho đến năm 1993, tổng phí tổn của việc bán và đóng cửa những tổ chức tiết kiệm bị phá sản là một con số khiến người ta phải choáng váng: gần 525 tỷ đô-la.

Tháng 1/1990, Tổng thống Bush đã đệ trình bản đề xuất ngân sách của ông lên Quốc hội. Phe Dân chủ cho rằng những kế hoạch về ngân sách của chính phủ là quá lạc quan, rằng việc đáp ứng những yêu cầu trong luật giảm thâm hụt sẽ đòi hỏi phải tăng thuế và cắt giảm mạnh các chi phí cho quốc phòng. Tháng 6 năm đó, sau nhiều cuộc đàm phán kéo dài, Tổng thống Bush đã đồng ý tăng thuế. Đồng thời, vào năm 1991, sự kết hợp giữa suy thoái kinh tế, những chi phí phát sinh từ việc cứu trợ các hoạt động kinh doanh tiết kiệm và cho vay, những khoản chi phí về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng trong các chương trình chăm sóc và trợ giúp y tế đã vô hiệu hóa những biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách và gây ra một khoản thâm hụt không kém phần nghiêm trọng so với khoản thâm hụt vào năm trước.