Nước Mỹ với chủ nghĩa bảo thủ mới và trật tự thế giới mới/5

Tủ sách mở Wikibooks

Quan hệ Xô-Mỹ

Trong mối quan hệ với Liên Xô, chính sách mà Tổng thống Regan đã tuyên bố là một chính sách hòa bình thông qua sức mạnh. Ông đã tuyên bố rõ ràng thái độ đối nghịch của mình đối với quốc gia này. Hai sự kiện đã sớm xảy ra làm quan hệ Xô-Mỹ thêm phần căng thẳng: đó là sự kiện Phong trào lao động Đoàn kết ở Ba Lan tháng 12/1981 và việc tên lửa của Liên Xô đã khiến 269 người chết trong chuyến bay dân sự số 007 của hãng hàng không Hàn Quốc ngày 1/9/1983. Hoa Kỳ cũng đã lên án việc Xô-viết tham gia vào lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục trợ giúp quân sự đã có từ thời Carter cho quân kháng chiến Mujahedeen ở Afghanistan.

Trong nhiệm kỳ đầu của Reagan, Chính phủ của ông đã chi những khoản tiền lớn chưa từng có cho việc tăng cường lực lượng vũ trang, bao gồm việc chuyển các tên lửa hạt nhân tầm trung đến châu Âu để đối phó lại việc Liên Xô triển khai các tên lửa tương tự. Vào ngày 23/3/1983, trong một cuộc tranh luận chính sách nảy lửa nhất trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của mình, Reagan đã công bố chương trình nghiên cứu về Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) nhằm tìm ra các công nghệ tiên tiến như tia laser và các đầu đạn tên lửa năng lượng cao để phòng ngự chống lại các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Mặc dù nhiều nhà khoa học đã tỏ ý nghi ngờ tính khả thi về mặt công nghệ của SDI và các nhà kinh tế đã chỉ ra các khoản chi phí vô cùng lớn, song chính phủ vẫn tiếp tục triển khai dự án này.

Sau khi tái đắc cử năm 1984, Reagan đã giảm nhẹ lập trường cứng rắn của mình về kiểm soát vũ khí. Matx-cơ -va cũng đã tỏ ra sẵn sàng thỏa hiệp, một phần vì nền kinh tế Liên Xô đã dành một phần lớn hơn nhiều trong tổng sản phẩm quốc dân cho quân sự so với tỉ lệ chi quân sự của Mỹ. Nhà lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, sợ rằng nếu tiếp tục tăng tỉ lệ chi cho quân sự này thêm nữa thì kế hoạch tự do hóa nền kinh tế Liên Xô sẽ bị ảnh hưởng.

Tháng 11/1985, Reagan và Gorbachev đã đồng ý trên nguyên tắc về việc giảm 50% vũ khí hạt nhân quốc phòng chiến lược và tiến tới một hiệp định tạm thời về các loại vũ khí hạt nhân tầm trung. Tháng 12/1987, Tổng thống Reagan và Tổng Bí thư Gorbachev đã ký Hiệp ước về Vũ khí hạt nhân Tầm trung (INF), chuẩn bị cho việc phá hủy toàn bộ loại vũ khí tầm trung này. Sau đó, đối với Hoa Kỳ, Liên Xô đã không còn là một đối thủ đáng sợ nữa. Reagan có thể được khen ngợi vì đã giúp cho Chiến tranh Lạnh nguội đi đáng kể, nhưng khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, gần như không ai có thể nhận ra được Liên bang Xô-viết đã trở nên lung lay đến mức nào.