Nước Mỹ với chủ nghĩa bảo thủ mới và trật tự thế giới mới/2

Tủ sách mở Wikibooks

Chủ nghĩa bảo thủ và việc lên nắm quyền của Ronald Reagan

Đối với nhiều người Mỹ, những xu hướng kinh tế, xã hội và chính trị của hai thập niên vừa qua – tội ác và phân biệt chủng tộc tại nhiều trung tâm đô thị, các thách thức đối với những giá trị truyền thống, và sự trì trệ về kinh tế và nạn lạm phát dưới thời Carter – đã gây ra tâm trạng thất vọng của dân chúng. Nó cũng làm cho dân chúng càng thêm hoài nghi đối với chính phủ và khả năng của chính phủ trong việc giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề xã hội và chính trị của đất nước.

Những người thuộc phái bảo thủ lâu nay vốn đã bị gạt ra ngoài bộ máy quyền lực quốc gia nay lại có vị thế chính trị thuận lợi trong bối cảnh mới. Nhiều người Mỹ đã mau chóng lĩnh hội quan điểm về một chính phủ hạn chế, về một nền quốc phòng vững mạnh và về việc bảo vệ các giá trị truyền thống. Sự bùng phát của chủ nghĩa bảo thủ có nhiều lý do. Một nhóm người đông đảo gồm các tín đồ Công giáo chính thống đã đặc biệt lo ngại về sự gia tăng tội ác và các quan điểm trái đạo đức về tình dục. Họ mong muốn đưa tôn giáo trở lại vị trí trung tâm trong đời sống người Mỹ. Một trong những nhóm có ảnh hưởng nhất về chính trị, vào đầu những năm 1980, có tên là Đa số Đạo đức do Jerry Falwell – một Bộ trưởng theo đạo Thiên Chúa lãnh đạo. Một nhóm khác do Reverend Pat Robertson lãnh đạo đã xây dựng nên một tổ chức lấy tên là Liên minh Công giáo. Cho tới những năm 1990, tổ chức này vẫn là một lực lượng có ảnh hưởng lớn trong Đảng Cộng hòa. Sử dụng truyền hình để phổ biến rộng rãi thông điệp của họ, Falwell, Robertson và những người như họ đã lôi kéo được đông đảo người ủng hộ.

Một vấn đề khác mang sắc thái quá khích của những người bảo thủ là một vấn đề tình cảm – vấn đề phá thai. Phản đối quyết định của Tòa án Tối cao năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade, trong đó Tòa án đã ủng hộ quyền phá thai trong những tháng đầu mang thai của phụ nữ, những người bảo thủ đã tập hợp được một lực lượng lớn các tổ chức và cá nhân. Trong đó không chỉ bao gồm đông đảo các tín đồ Công giáo La mã, mà còn có những người ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ và những người thuộc phái chính thống tôn giáo, phần lớn những người này đều coi việc phá thai dưới bất cứ hoàn cảnh nào đều tương đương với hành vi giết người. Những cuộc biểu tình ủng hộ quyền lựa chọn của người mẹ và quyền được sống của thai nhi (có nghĩa là ủng hộ chuyện phá thai hay phản đối chuyện phá thai) đã trở thành tâm điểm trong bối cảnh chính trị lúc bấy giờ.

Ngay trong Đảng Cộng hòa, phe bảo thủ một lần nữa lại giành được vị trí thắng thế. Trong một thời gian ngắn, họ đã giành được quyền kiểm soát đa số trong Đảng Cộng hòa vào năm 1964 với ứng cử viên tổng thống của đảng là Barry Goldwater, sau đó đã không còn được người ta chú ý nữa. Tuy nhiên, cho tới năm 1980, với thất bại của chủ nghĩa tự do dưới thời Carter, phe Tân Hữu lại có thể tìm được vị trí thống trị của mình.

Nhờ sử dụng các kỹ thuật thư tín trực tiếp và sức mạnh của các phương tiện truyền thông để truyền đi các thông điệp và thực hiện việc gây quỹ dựa trên sáng kiến của những người theo chủ nghĩa bảo thủ như nhà kinh tế Milton Friedman, nhà báo William F. Buckley và George Will và các cơ quan nghiên cứu như Quỹ Di sản, cánh Tân Hữu đã giữ một vai trò quan trọng trong việc định ra đường lối của những năm 1980.

Cánh Cựu Hữu ủng hộ quan điểm hạn chế can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. Quan điểm này được củng cố hơn nữa khi một nhóm Tân Hữu gồm những nhà chính trị theo chủ nghĩa bảo thủ tự do ngờ vực vai trò của chính phủ nói chung và phản đối sự can thiệp của nhà nước vào hành vi cá nhân. Nhưng cánh Tân Hữu cũng bao gồm cả một bè phái mạnh hơn, gồm những người theo trường phái Phúc Âm, muốn dùng quyền lực của nhà nước nhằm củng cố cho quan điểm của mình. Họ ủng hộ những biện pháp chống tội phạm, ủng hộ quan điểm xây dựng một nền quốc phòng hùng mạnh, ủng hộ một điều khoản trong hiến pháp cho phép được cầu kinh tại các trường công và phản đối việc phụ nữ phá thai.

Nhân vật đã tập trung được tất cả những xu hướng khác biệt này lại với nhau là Ronald Reagan. Reagan sinh ra ở bang Illinios, là diễn viên điện ảnh Hollywood và diễn viên truyền hình trước khi chuyển sang hoạt động chính trị. Lúc đầu, ông đã giành được uy tín chính trị nhờ một bài diễn văn được phát trên truyền hình toàn quốc vào năm 1964 có nội dung ủng hộ Barry Goldwater. Năm 1966, Reagan thắng cử chức thống đốc bang California và giữ vị trí này tới năm 1975. Ông đã suýt thắng cử với số phiếu sít sao để được đề cử là đại biểu của Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống vào năm 1976 trước khi được chính thức đề cử năm 1980 và tiếp tục thắng cử tổng thống trong cuộc tranh đua với tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter.

Tinh thần lạc quan không hề nao núng của Tổng thống Reagan cùng khả năng biết ca tụng những thành tựu và những cảm hứng của dân chúng Mỹ đã không hề thuyên giảm trong suốt hai nhiệm kỳ ông làm tổng thống. Đối với nhiều người Mỹ, Reagan là một vị tổng thống đã đem lại sự bình yên và ổn định. Khi đứng trước micrô và ống kính của máy quay trong các buổi truyền hình, Reagan được mệnh danh là Người có kỹ năng giao tiếp xuất chúng.

Nhắc lại một câu nói có từ thế kỷ XVII của lãnh tụ John Winthrop, Reagan tuyên bố với toàn thể nước Mỹ rằng Hoa Kỳ là thành phố ánh sáng trên ngọn đồi, là đất nước được Chúa ban cho sứ mệnh phải bảo vệ thế giới chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

Reagan tin rằng, chính quyền đã can thiệp quá sâu vào đời sống của người dân Mỹ. Ông muốn cắt giảm những chương trình mà ông cho rằng nước Mỹ không cần đến và ông thấy rằng những chương trình đó là lãng phí, gian trá và lạm dụng. Reagan thúc đẩy chương trình phi điều tiết vốn đã được Jimmy Carter khởi xướng trước đó. Reagan cũng cố gắng xóa bỏ nhiều quy định gây ảnh hưởng xấu tới người tiêu dùng, đến chỗ làm việc và môi trường. Theo ông, những quy định này đều không hiệu quả, gây đắt đỏ và ngăn cản tăng trưởng kinh tế.

Reagan cũng đồng ý với quan điểm của nhiều nhà chính trị bảo thủ cho rằng luật pháp cần phải được áp dụng một cách hà khắc để ngăn ngừa tội phạm. Ngay sau khi trở thành tổng thống, ông đã phải đối mặt với một cuộc đình công trên toàn quốc của những nhân viên kiểm soát không lưu Mỹ. Mặc dù hành động này đã bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng trước đó, những cuộc đình công như vậy thường vẫn được cho qua. Khi những nhân viên kiểm soát không lưu từ chối không chịu quay lại làm việc, tổng thống đã ra lệnh sa thải tất cả những người trong số họ. Vài năm sau đó, hệ thống này đã được thiết lập lại với những nhân viên mới.