Nước Mỹ những thập niên 1960-1980/16

Tủ sách mở Wikibooks

Thời gian làm tổng thống tạm quyền của Ford

Phó Tổng thống của Nixon, Gerald Ford (được bổ nhiệm thay thế Angnew), một con người khiêm tốn đã dành toàn bộ cuộc đời hoạt động xã hội của mình để làm việc trong Quốc hội, đã trở thành Tổng thống kế nhiệm Nixon. Ưu tiên lớn nhất của ông là phục hồi lòng tin của dân chúng vào chính phủ. Tuy nhiên, do cảm thấy cần phải có một động thái để tránh cho Nixon bị buộc tội trong tương lai, ông đã có quyết định tha thứ cho người tiền nhiệm của mình. Đối với ông, có thể động thái này là cần thiết nhưng quyết định đó lại không được dân chúng ủng hộ.

Trong chính sách đối nội, Ford tiếp tục đường lối mà Nixon đã xác lập. Nhưng các vấn đề kinh tế vẫn trong tình trạng nguy kịch vì lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Lúc đầu, Ford cố gắng trấn an công chúng như Herbert Hoover đã từng làm năm 1929. Khi thấy điều này không có tác dụng, ông liền ban hành các biện pháp kiềm chế lạm phát và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 8%. Việc cắt giảm thuế kết hợp với những khoản trợ cấp thất nghiệp cao hơn tuy có khiến tình hình khả quan hơn nhưng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém.

Về chính sách đối ngoại, Ford đã áp dụng chính sách ôn hòa do Nixon khởi xướng. Có lẽ động thái quan trọng nhất của ông trong chính sách đối ngoại là Hiệp ước Hensinki năm 1975, trong đó Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đã thừa nhận thế bá chủ của Liên Xô ở Đông Âu để đổi lại cam kết nhân quyền của Liên Xô. Hiệp ước này không có những ảnh hưởng đáng ghi nhận ngay lập tức, nhưng về dài hạn, nó sẽ khiến cho việc duy trì của Liên Xô trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, các quốc gia phương Tây đã sử dụng thành công những cuộc họp rà soát lại Hiệp ước Helsinki được tổ chức định kỳ nhằm kêu gọi sự chú ý của dư luận tới những hành vi có thể lạm dụng và vi phạm quyền con người của các chế độ cộng sản thuộc khối Đông Âu.