Nước Mỹ mở rộng sang phía Tây và sự khác biệt giữa các vùng/1

Tủ sách mở Wikibooks

Gây dựng tình đoàn kết

Cuộc Chiến tranh 1812, xét từ góc độ nào đó, là cuộc chiến lần thứ hai giành độc lập và khẳng định sự đoạn tuyệt vĩnh viễn của nước Mỹ với nước Anh. Khi chiến tranh khép lại, nhiều khó khăn trầm trọng đặt ra với nền cộng hòa non trẻ kể từ thời cách mạng giờ đã biến mất. Nhà nước liên bang theo Hiến pháp đã đem lại sự cân bằng giữa tự do và trật tự. Cùng với khoản nợ công rất nhỏ và một lục địa đang ngóng chờ được khám phá, cánh cửa hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ xã hội đã mở ra trước dân tộc Mỹ.

Hoạt động thương mại càng làm cho tình đoàn kết dân tộc thêm vững chắc. Những mất mát trong chiến tranh đã giúp nhiều người nhận thấy tầm quan trọng phải bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ cho đến khi họ có thể một mình chống chọi được với sự cạnh tranh của nước ngoài. Nhiều người lập luận rằng độc lập về kinh tế cũng quan trọng không kém độc lập về chính trị. Để cổ súy tinh thần tự lực cánh sinh, các nhà lãnh đạo Quốc hội như Henry Clay thuộc tiểu bang Kentucky và John C. Calhoun thuộc tiểu bang Nam Carolina đã kêu gọi thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, hạn chế hàng nhập khẩu nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp Mỹ phát triển.

Đây là thời điểm thuận lợi để tăng thuế quan. Các linh mục ở Vermont và Ohio muốn bảo hộ chống lại sự tràn ngập của len nước Anh. Ở bang Kentucky, ngành dệt cây gai dầu địa phương thành vải sợi may bao và túi mới ra đời đã bị ngành công nghiệp dệt vải may túi bao Scotland đe doạ. Pittsburgh ở bang Pennsylvania vốn đã là một trung tâm cán thép rất phát triển, nay sốt sắng thách thức các nhà cung cấp thép Anh và Thụy Điển. Biểu thuế ban hành năm 1816 đã đủ mạnh để bảo hộ thực sự các nhà sản xuất.

Ngoài ra, dân miền Tây còn ủng hộ một hệ thống đường sá và kênh đào quốc gia để nối kết họ với các thành phố và hải cảng miền Đông, và để mở mang những vùng đất miền biên giới cho việc định cư. Tuy nhiên, họ đã không thành công trong việc kêu gọi chính quyền liên bang tham gia phát triển nội bộ bang do có sự phản đối từ bang New England và miền Nam. Những con đường và những con kênh còn lại là mối quan tâm của các bang cho đến khi Đạo luật Hỗ trợ Đường bộ Liên bang năm 1916 được thông qua.

Vị thế của Chính phủ Liên bang vào thời gian này đã được củng cố mạnh mẽ nhờ có một số quyết định của Tòa án Tối cao. Một người đại điện ủng hộ chủ nghĩa liên bang, John Marshall, người bang Virginia, đã trở thành Chánh án Tòa án Tối cao năm 1801 và giữ chức vụ này cho tới khi ông qua đời năm 1835. Tòa án vốn yếu ớt trước khi ông nhậm chức thì giờ đây đã trở thành một tòa án mạnh, có vị trí ngang hàng với Quốc hội và tổng thống. Theo các quyết định mang tính lịch sử sau đó, Marshall đã xây dựng quyền của Tòa án Tối cao và củng cố chính quyền liên bang.

Marshall là người đầu tiên trong hàng ngũ đông đảo các vị thẩm phán Tòa án Tối cao mà những quyết định của họ đã tạo nên ý nghĩa và áp dụng cho Hiến pháp. Khi ông kết thúc sự nghiệp phục vụ của mình thì Tòa án Tối cao đã giải quyết chừng 50 vụ án liên quan tới các vấn đề hiến pháp. Một trong những phán quyết nổi tiếng nhất của Marshall – vụ Marbury kiện Madison (1803) – ông đã kiên quyết khẳng định quyền của Tòa án Tối cao được xem xét tính hợp hiến của tất cả các bộ luật của Quốc hội Liên bang hay của cơ quan lập pháp của tiểu bang. Trong vụ Mc Culloch kiện Maryland (1819) ông đã khẳng khái nêu cao lý thuyết của Hamilton cho rằng, suy rộng ra, Hiến pháp ban cho chính phủ những quyền hạn vượt ra ngoài phạm vi những quyền đã được quy định rõ ràng trong văn kiện này.