Đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông/Những quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục THPT

Tủ sách mở Wikibooks

Việc đổi mới giáo dục THPT dựa trên những đường lối, quan điểm chỉ đạo giáo dục của nhà nước, đó là những định hướng quan trọng về chính sách và quan điểm trong việc phát triển và đổi mới giáo dục. Việc đổi mới PPDH cần phù hợp với những định hướng đổi mới chung của chương trình giáo dục THPT. Những đường lối, quan điểm chỉ đạo giáo dục nào của nhà nước và những định hướng đổi mới nào của chương trình giáo dục THPT có vai trò quan trọng cho việc đổi mới PPDH?

1.3.1. Đường lối, quan điểm chỉ đạo của nhà nước về giáo dục[sửa]

Những đường lối và quan điểm chỉ đạo của nhà nước về đổi mới giáo dục nói chung và THPT nói riêng được thể hiện trong nhiều văn bản, đặc biệt trong các văn bản sau đây:

  • CT30/1998/CT-TTg về chủ trương phân ban
  • Nghị quyết 40/2000/QH10 về đổi mới CT GDPT
  • Chỉ thị 14/2001/CT-TTg về thực hiện NQ 40
  • Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010
  • Luật Giáo dục (sửa đổi năm 2005)

Ngay sau cách mạng tháng 8.1945 cùng với việc xây dựng một nền giáo dục mới,  mục tiêu và nguyên lý giáo dục Việt Nam đã được xây dựng. Nội dung căn bản của mục tiêu giáo dục là xác định đào tạo con người phát triển toàn diện. Mục tiêu này được khẳng định trong điều 2 của Luật giáo dục (2005).

Nguyên lý giáo dục cũng được khẳng định trong điều 3 của Luật giáo dục là hoạt động giáo dục phải thực hiện theo nguyên lý ”học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội”.

Về PPDH, luật giáo dục quy định ”Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”.

Luật giáo dục cũng đưa ra những quy định về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục phổ thông cho từng cấp học. Về nội dung dạy học, điều 28 Luật giáo dục quy định: ”Nội dung giáo dục phổ thông phải đảm bảo tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của HS, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học”.

Về phương pháp giáo dục phổ thông, điều 28 luật giáo dục quy định: ”Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tư học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS”.

Mục tiêu giáo dục, nguyên lý giáo dục và những quy định về nội dung, PPDH đã được khẳng định trong luật giáo dục trên đây là những định hướng cơ sở quan trong cho việc xây dựng chương trình dạy học, xác định các mục đích, nội dung và phương pháp và tổ chức dạy học. Những định hướng này phù hợp với những quan điểm hiện đại và tiến bộ về giáo dục trong phạm vi quốc tế, trong đó có mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện nhân cách cũng như định hướng gắn giáo dục với thực tiễn cuộc sống, gắn lý thuyết với thực tiễn, phát triển động cơ, hứng thú học học, phát huy tính tích cực, tự lực và  sáng tạo của HS. Những định hướng này cũng phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện mới đối với đội ngũ lao động mới.

1.3.2. Những định hướng đổi mới từ chương trình giáo dục THPT[sửa]

Từ những vấn đề tồn tại trong giáo dục phổ thông và những yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong hoàn cảnh mới dẫn đến việc đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục THPT nói riêng là một yêu cầu khách quan. Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục cấp tiểu học và THCS, Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành chương trình giáo dục THPT mới, áp dụng trên toàn quốc từ năm học 2006-2007 (Bộ giáo dục và đào tạo, 2006). Chương trình giáo dục THPT mới kế thừa chương trình giáo dục THPT trước đây, dựa trên những quan điểm, đường lối chỉ đạo về giáo dục và vận dụng những kinh nghiệm quốc tế về giáo dục phù hợp với những điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những định hướng chung cho việc đổi mới giáo dục THPT đã được trình bày trong chương trình giáo dục THPT và trong tài liệu bồi dưỡng GV dạy chương trình và sách giáo khoa mới. Chương trình dạy học mới đòi hỏi có sự đổi mới về mục tiêu, nội dung, PPDH và kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Sau đây là những định hướng về mục tiêu, nội dung dạy học về đổi mới PPDH, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá được quy định trong chương trình giáo dục THPT:

  • Mục tiêu giáo dục THPT: Giáo dục THPT nhằm giúp HS củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông, có những hiểu biết thông thường về kĩ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện lựa chọn hướng phát triển và phát huy năng lực cá nhân, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
  • Nội dung giáo dục THPT: Giáo dục THPT cần phải củng cố, phát triển những nội dung đã học ở trung học cơ sở, bảo đảm cho HS có những hiểu biết phổ thông, cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc, kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ, có những hiểu biết cần thiết tối thiểu về kĩ thuật và hướng nghiệp.
  • Phương pháp giáo dục THPT bao gồm các phương pháp giáo dục phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, đối tượng HS; bồi dưỡng cho HS phương pháp tự học, khả năng hợp tác; rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú và trách nhiệm học tập cho HS.
  • Hình thức tổ chức giáo dục THPT bao gồm các hình thức tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục ở trong phòng học, trong nhà trường, ngoài phòng học, ngoài nhà trường sao cho bảo đảm sự cân đối và hài hoà giữa dạy học và hoạt động giáo dục theo tập thể lớp, nhóm nhỏ, cá nhân; giữa dạy học nội khoá và ngoại khoá, dạy học bắt buộc và tự chọn; giữa phát triển các năng lực cá nhân của HS và nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi đối tượng HS.
    • Ở những nơi có hoàn cảnh đặc biệt, có thể tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục theo lớp học hoà nhập,... để đảm bảo quyền được đi học và học tập có chất lượng cho mọi trẻ em
    • Đối với những HS có biểu hiện năng khiếu đặc biệt, có thể chọn hình thức dạy học và hoạt động giáo dục nhằm phát triển những năng khiếu đặc biệt đó, góp phần phát hiện và bồi dưỡng những tài năng tương lai ngay trong phạm vi của giáo dục THPT
    • GV chủ động lựa chọn, vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục phù hợp với nội dung giáo dục và điều kiện cụ thể của lớp học
  • Đánh giá kết quả giáo dục THPT: Đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp và sau cấp học là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu giáo dục, có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả giáo dục HS. Đánh giá kết quả giáo dục các môn học và hoạt đông giáo dục ở mỗi lớp và sau cấp học cần phải:
    • Căn cứ vào chuẩn kiến thức và kĩ năng của từng môn học và hoạt động giáo dục ở từng lớp; yêu cầu cơ bản cần đạt về kiến thức, kĩ năng, thái độ của HS sau mỗi giai đoạn và của cấp học
    • Phối hợp đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, giữa đánh giá của GV và tự đánh giá của HS, giữa đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, cộng đồng
    • Kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá này
    • Có công cụ đánh giá thích hợp nhằm đánh giá toàn diện, công bằng, trung thực, có khả năng phân loại tích cực, giúp GV và HS điều chỉnh kịp thời việc dạy và học

Tóm tắt[sửa]

Những đường lối và quan điểm chỉ đạo về giáo dục của nhà nước là những định hướng quan trọng cho việc phát triển và đổi mới giáo dục THPT. Định hướng mục tiêu giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện, phát triển những phẩm chất và năng lực đáp ứng với đòi hỏi của sự phát triển kinh tế và xã hội. Định hướng phương thức giáo dục là gắn lý thuyết với thực hành, gắn tư duy với hành động, gắn giáo dục nhà trường với xã hội và gia đình. Định hướng về PPDH là phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của HS. Những quan điểm chỉ đạo này về giáo dục phù hợp với những quan điểm hiện đại, phổ biến và tiến bộ về khoa học giáo dục trong phạm vi quốc tế cũng như phù hợp với những yêu cầu của sự phát triển kinh tế và xã hội đối với việc đào tạo đội ngũ lao động mới.

Những đường lối và quan điểm chỉ đạo về giáo dục trên đây đã được quán triệt và vận dụng trong việc xây dựng chương trình THPT. Chương trình THPT đòi hỏi đổi mới PPDH nhằm đạt được những mục tiêu của chương trình. Trong đổi mới PPDH cần chú trọng phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của HS, chú ý tính phân hoá trong dạy học THPT, phát triển năng lực hành động, tăng cường thực hành, gắn nội dung dạy học với thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp. Đổi mới PPDH gắn với sử dụng phương tiện dạy học mới và đổi mới đánh giá kết quả học tập của HS.