Hệ sinh thái rừng tự nhiên chủ yếu ở Việt Nam/Rừng lá rộng thường xanh trên núi đá vôi

Tủ sách mở Wikibooks

Phân bố[sửa]

Diện tích rừng núi đá (chủ yếu là núi đá vôi) ở Việt Nam có 1.152.200 ha, trong đó diện tích rừng che phủ 396.200 ha (34,45%), theo Viện Điều tra Quy hoạch rừng (1999). Núi đá vôi phân bố trong 24 tỉnh và thành phố nhưng chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Các tỉnh có núi đá vôi là: Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Chúng ta có thể phân vùng núi đá vôi thành 5 vùng như sau:

  • Vùng Tuyên Quang - Hà Giang
  • Vùng Cao Bằng - Lạng Sơn
  • Vùng Tây Bắc - Tây Hoà Bình - Thanh Hoá
  • Vùng Trường Sơn Bắc
  • Vùng quần đảo

Phân bố theo vĩ độ: từ Hà Tiên đến Cao Bằng (23oB), chủ yếu từ Quảng Bình (17oB) trở ra. Phân bố theo đai độ cao từ vài chục mét lên đến 1.200 m so với mực nước biển.

Điều kiện sinh thái[sửa]

Khí hậu[sửa]

Ngoài chế độ khí hậu chung của khu vực, do địa hình vùng núi đá vôi phức tạp nên có những đặc điểm khác biệt và tạo nên những tiểu vùng vi khí hậu. Đây là một qui luật phi địa đới, đặc trưng cho hệ sinh thái nhạy cảm trên núi đá vôi ở Việt Nam.

Nhiệt độ không khí trung bình năm khoảng 20oC. Về tổng thể, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất của vùng núi đá vôi Việt Nam là tháng 6 và tháng 7, trong khi đó tháng lạnh nhất là tháng 12 và tháng 1.

Chế độ mưa và độ ẩm: theo đai độ cao thì vùng núi đá vôi của Việt Nam có những chế độ mưa khác nhau, ở đó, đai thấp có chế độ mưa ẩm với lượng mưa trung bình năm từ 1200 - 2500mm, độ ẩm không khí trung bình 85%. Hiện nay chưa có số liệu khí hậu ở vành đai núi cao.

Thổ nhưỡng[sửa]

Ở đai thấp, khu vực núi đá hình thành trên nền đá mẹ là đá vôi mà thành phần cơ giới nặng là đất đỏ hung (terra rossa) nhiệt đới. Địa chất đai cao của khu vực núi đá vôi cũng giống như ở đai thấp đó là đá đỏ hung (terra rossa) nhiệt đới nhưng phong hóa trên đá vôi và đôlômít. Ở những nơi có hiện tượng xói mòn xảy ra, thành phần thổ nhưỡng là đất đen xương xẩu trên núi đá vôi (rendzina).

Cấu trúc tổ thành thực vật[sửa]

Khu hệ động vật núi đá vôi[sửa]

Do tính đa dạng và rất đặc biệt về địa hình nên hệ động vật trên núi đá vôi cũng có nhiều đặc trưng riêng. Hiện nay chưa có công trình nghiên cứu chuyên khảo về khu hệ động vật rừng núi đá vôi ở Việt Nam. Đỗ Tước (1999) đã khảo sát điều tra khu hệ động vật rừng núi đá vôi ở 10 địa điểm thuộc 10 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình. Kết quả bước đầu đã thống kê được 69 loài và phân loài thú thuộc 18 họ, 6 bộ chiếm khoảng 40% khu hệ thú của địa phương. Trong đó, có 2 bộ có tính đa dạng sinh học cao là bộ Dơi và bộ Linh trưởng. Về bộ Gặm nhấm mới chỉ quan sát được 8 loài sóc, còn các loài chuột chưa đủ dẫn liệu.

Đa dạng sinh học phong phú nhất là loài dơi thuộc bộ Chiroptera với khoảng 50 loài sống trong những hang động lớn ở Hữu Liên (Lạng Sơn), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Những loai dơi này thuộc các họ Dơi lá mũi, Dơi muỗi, Dơi quả, Dơi ma...

Bộ Linh trưởng có 16 loài và phân loài, trong đó có các loài đặc hữu trên núi đá vôi như: Voọc quần đùi (Trachypethucus trancoisii delacouri), voọc đầu trắng (Trachypithecus trancoisii phicephalus), voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus), vượn đen (Hylobates concolor), đặc biệt có nhiều ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cúc Phương (Ninh Bình), Cát Bà (Hải Phòng).

Bộ Ăn thịt (Carnivora) có 8 loài như gấu ngựa, các loài cầy và mèo rừng. Bộ Guốc chẵn (Artiodactyla) có 5 loài như hươu xạ, mang, sơn dương, lợn rừng và chào vao.

Có 7 loài và phân loài hoàn toàn sống trong rừng núi đá vôi là: vooc đầu trắng, vooc mông trắng, vooc gáy trắng, hươu xạ, don, vooc má trắng, dơi iô. Trong đó có 4 loài thú đặc hữu là vooc mũi hếch, vooc đầu trắng, vooc mông trắng, vooc gáy trắng. Thú rừng núi đá có 26 loài quý hiếm chiếm 37% tổng số loài thú quý hiếm ở Việt Nam.

Về chim: thảm thực vật núi đá vôi có hệ chim phong phú trong đó đa dạng nhất là bộ Sẻ (Passeriformes). Nơi đây qui tụ các loài quí hiếm như gà lôi trắng (Lophura nycthemera), cú lợn rừng (Phodilus badius), ác là (Pica pica), gà lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis).

Lưỡng cư, bò sát có 17 loài trong đó rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah) là loài đặc hữu, có giá trị kinh tế cao cùng với rùa hộp trán vàng (Cistoclemmys galbinifrons), rùa núi vàng (Indotestudo elongata) là những loài đang ở tình trạng nguy cấp, tất cả 17 loài này đều là những loài quí hiếm ghi tên trong Sách đỏ, CITES.

Nhắc đến động vật sống trên đất đá vôi không thể không nói đến côn trùng. Chúng là một thành phần quan trọng làm nên tính đa dạng cho hệ sinh thái nhạy cảm này bởi chúng phần lớn là những loài chỉ thị, chỉ còn tồn tại nếu còn rừng. Bốn bộ côn trùng chủ yếu là bộ Cánh vảy (Lepidoptera), bộ Cánh cứng (Coleoptera), bộ Cánh thẳng (Orthoptera) và bộ Hai cánh (Diptera), trong đó các loài chỉ thị thuộc phân họ Bọ rùa (Cassidinae), họ Côn trùng cánh cứng ăn lá (Chrysomelidae - Coleoptera) và bọ ngựa (Mantis religiosa).

Tái sinh và diễn thế rừng[sửa]

Nhìn chung tổ thành rác ài cây tái sinh ở rừng núi đá vôi không phong phú như rừng núi đất. Loài cây tái sinh chiếm ưu thế là nhóm loài cây đặc trưng cho rừng núi đá vôi như nghiến (Burretiodendron tonkinensis), sảng (Sterculia lancacolata), các loài cây thuộc họ Dâu tầm (Moraceae) như đa tía (Ficus altissima), đa lá hẹp (Ficus stenophylla), sanh (Ficus benjanica)... Do vậy, diễn thế của rừng núi đá vôi tương đối ổn định do điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt mà nhiều loài cây rừng núi đất khác không thích nghi được.

Tái sinh thảm thực vật rừng núi đá vôi có các loài như sau:

  • Tái sinh rừng ở chân núi đá vôi: ngái (Ficus hispida), vả (F. auriculata), Macaranga denticulata, Balakata baccata, sòi (Triadica cochinchinensis), T. rotundifolia, Endospermum chinense và Nauclea sp. trong vùng bán ngập nước.
  • Tái sinh ở sườn núi: mạy tèo, ruối ô rô, lòng mang...
  • Tái sinh thành trảng: chuối (Musa sp), Brouessonetia papyrifera, Pterospermum sp, Arenga pinnata, Macaranga auriculata, Mallotus paniculatus, Euodia sp, Styrax tonkinensis...
  • Thảm dây leo tái sinh : Quisqualis indica, Combretum sp., Trichosanthes sp, Entada sp, Merremia spp...

Do điều kiện đất núi đá vôi nên sinh trưởng của cây rừng núi đá vôi rất chậm. Quá trình phục hồi rừng núi đá vôi đòi hỏi phải có một thời gian dài. Nạn khai thác gỗ nghiến để làm thớt và khai thác đá cần phải được sớm ngăn chặn để bảo tồn nguồn tài nguyên rừng đặc biệt này. Những loài cây có khả năng thích nghi với vùng núi đá như nghiến (Burretiodendron tonkinensis), dầu choong (Delavaya toxocarpa), hoàng đàn (Cupressus torulosa), tre mai (Dendrocalamus giganteus), tre mỡ Lạng Sơn (Dendrocalamus minor), lát hoa (Chukrasia tabularis),... cần phải được nghiên cứu thử nghiệm gây trồng.

Ý nghĩa[sửa]

Về ý nghĩa khoa học: nhiều vùng rừng núi đá vôi đã được quy hoạch xây dựng thành vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Rừng núi đá vôi tập trung nhiều loài thực vật có giá trị về kinh tế và khoa học, bao gồm các loài cây lá rộng như: mun sọc (Diospyros dasyphylla), đinh vàng, đinh thối, trai lí, kiền kiền, lát hoa v.v… và các loài cây lá kim như: hoàng đàn, nghiến, pơ mu, kim giao, thông Pà Cò, thiết sam giả, thiết sam giả lá ngắn, hoàng đàn giả,... trong đó có nhiều loài đã được ghi vào sách đỏ. Nhiều loài động vật quý hiếm như hươu xạ, sơn dương, voọc mông trắng, voọc đầu trắng, voọc mũi hếch, vượn đen, gà lôi trắng, cú lợn rừng, ác là, gà lam đuôi trắng, rắn hổ chúa, rùa hộp trán vàng, rùa núi vàng... Thảm thực vật trên núi đá vôi là một hệ sinh thái đặc biệt và rất nhạy cảm, do đó mọi tác động tới hệ sinh thái này sẽ gây ra những biến đổi không thể lường trước được, đặc biệt đây còn là nơi có tiềm năng đa dạng sinh học rất cao. Vì thế nghiên cứu thảm thực vật đá vôi mang một ý nghĩa khoa học quan trọng. Có nhiều loài mới cả động và thực vật trong thời gian gần đây được công bố là thành phần của hệ sinh thái rừng núi đá vôi.


Về ý nghĩa kinh tế: rừng núi đá vôi có nhiều loài cây có giá trị kinh tế như bách vàng, hoàng đàn, mun sọc, nghiến, pơ mu, kim giao, thông Pà Cò... Nhiều loài động vật núi đá vôi có giá trị kinh tế và khoa học như vooc đầu trắng, vooc mông trắng, vooc gáy trắng, hươu xạ, don, vooc má trắng, dơi iô... Ngoài ra, còn có nhiều loài cây làm dược liệu như: đẳng sâm (Codonopsis javanica), kim ngân (Lonicera dasystyla), củ bình vôi (Stephania rotunda), một lá (Nervilia fordii), thuỷ bồn thảo (Sedum sp), kim anh (Rosa laevigata), thổ sâm (Talinum patens)... Rừng núi đá vôi còn có nhiều cây cảnh , đặc biệt là các loài phong lan như lan hoà thảo hoa vàng, vẩy rồng, hài vệ nữ,... và tạo nên những hòn non bộ đầy ý nghĩa nhân văn và hướng thiện. Cảnh quan rừng núi đá vôi cũng tạo nên những hang động nổi tiếng như động Hương Tích - động đẹp nhất trời Nam, động Phong Nha - Kẻ Bàng và vịnh Hạ Long đã được công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới... Hệ thống các hồ Caxtơ tự nhiên mà lớn nhất là hồ Ba Bể, hồ ở Thăng Hen (Cao Bằng), những hang nước ngọt lộ thiên ở Quảng Bình cùng với nhiều vẻ đẹp hùng vĩ, rừng núi đá vôi Việt Nam đã, đang và sẽ là những nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.

Về ý nghĩa phòng hộ: với diện tích rừng, kể cả trảng cây bụi, trảng cỏ trên núi đá vôi đã đóng góp phần đáng kể vào độ che phủ rừng của cả nước. Trong lòng núi đá vôi chứa đựng những dòng sông ngầm với lưu lượng nước lớn giữ vai trò điều tiết nguồn nước. Hàng trăm nghìn con suối đổ ra các sông ở miền Trung và miền Bắc nước ta được bắt nguồn từ những khối núi đá vôi. Do đó, hệ sinh thái này còn có nhiệm vụ điều tiết nước và các chế độ thủy văn, khí hậu cho những vùng hạ lưu lân cận.