Hệ sinh thái rừng tự nhiên chủ yếu ở Việt Nam/Rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới/Tái sinh và diễn thế rừng

Tủ sách mở Wikibooks

Diễn thế thứ sinh của hệ sinh thái này hình thành dưới tác động của con người như phục hồi rừng nương rãy, sau khai thác và trồng lại rừng mới. Các ưu hợp trình bày dưới đây là kiểu phụ thứ sinh nhân tác.

Tác động tiêu cực của con người[sửa]

Sau nương rẫy[sửa]

  • Ưu hợp Mỡ + Bồ đề + Xoan ta
Ưu hợp này hình thành sau nương rãy. Rừng phục hồi ban đầu là tái sinh của loài cây tiên phong ưa sáng, điển hình nhất là loài cây bồ đề rụng lá. Có nơi hình thành nên rừng bồ đề (Styrax tonkinensis) tự nhiên gần như thuần loài như ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái Các dân tộc miền núi ở tỉnh Hoà Bình có kinh nghiệm gieo hạt Xoan ta (Melia azederach) trên nương rãy, sau đó đốt nương để kích thích hạt xoan nẩy mầm. Ngoài ra còn có Mỡ (Manglietia glauca) cũng tham gia vào tổ thành rừng phục hồi sau nương rãy và là loài cây tiên phong định vị, có khả năng tồn tại lâu dài trong đời sống của quần thể.
  • Ưu hợp nứa (Shizostachyum funghomii)
Ưu hợp này hình thành trên nương rãy lâu năm, đất đã bị thoái hoá. Tuỳ theo mức độ đất thoái hoá mà quần thể nứa phục hồi có đường kính cây khác nhau. Đất càng xấu thì đường kính nứa càng nhỏ và trở thành nứa tép. Trong quá trình phục hồi rừng có thể có một số loài cây tái sinh chịu hạn hơn xuất hiện như giang (Maclurochloa), sặt (Arundinaria sp.), trúc (Phyllostachys sp.), vầu (Acidosasa sp.) Do đặc thù tái sinh thân ngầm nên quần thể nứa ổn định trong một thời gian tương đối dài. Khi nào nứa bị khuy thì sẽ xuất hiện diễn thế mới tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương.
  • Ưu hợp Hu đay + Bồ đề (Trema angustifolia + Styrax tonkinensis)
Ưu hợp này hình thành sau nương rãy, phân bố ở vùng khí hậu ẩm, có nơi phục hồi thành rừng Bồ đề (Styrax tonkinensis) gần như thuần loài. Ban đầu những loài cây tiên phong ưa sáng như Hu đay (Trema angustifolia), Ba bét (Mallotus apelta), Hu nâu (Mallotus cochinchinensis) xuất hiện cùng với loài cây rụng lá điển hình là loài bồ đề. Bồ đề là loài cây ưa sáng nhưng có đời sống dài hơn các loài hu, ở nhiều địa phương đã hình thành nên những quần thể rừng bồ đề phục hồi gần như thuần loài đều tuổi. Quần thể rừng tiên phong này chỉ có tính chất tạm thời vì cấu trúc rừng thuần loài, đều tuổi, một tầng, rụng lá, tán thưa không thích hợp với điều kiện nhiệt đới mưa nhiều, đất dốc. Lượng đất xói mòn trong quần thể này cao nên không thể ổn định lâu dài.
Xu hướng diễn thế của quần thể sẽ diễn ra theo hai chiều hướng sau đây:
Nếu bảo vệ rừng tốt thì dưới tán rừng sẽ xuất hiện tái sinh của những loài cây chịu bóng thuộc các họ Caesalpinaceae, Lauraceae, Fagaceae, Meliaceae v.v…Thế hệ cây tái sinh này sẽ thay thế rừng bồ đề và có khả năng hồi nguyên lại trạng thái rừng ban đầu tổ thành bởi những loài cây có giá trị kinh tế và phòng hộ. Đây là quá trình diễn thế tiến hoá, cấu trúc rừng ngày càng phức tạp cả về tổ thành loài cây và tầng thứ.
Nếu rừng phục hồi không được bảo vệ thì sẽ tiếp tục quá trình diễn thế thoái hoá, các loài tre nứa xâm nhập vào thành phần quần thể, chiếm ưu thế hoặc gần như thuần loài ổn định hoặc diễn thế thành trảng cây bụi, trảng cỏ thứ sinh như chít (Thysanolaena maxima), chè vè (Miscanthus sinensis).
Những ưu hợp thuộc loại này cần được coi là đối tượng khoanh nuôi rừng, nếu không đủ tái sinh của những loài cây mục đích thì cần trồng dặm bổ sung thêm những loài cây bản địa có giá trị.

Sau khai thác rừng[sửa]

  • Ưu hợp Lim xanh + Lim xẹt (Erythrophoeum fordii +Peltophorum tonkinensis)
Ưu hợp này hình thành sau khai thác chọn, phân bố ở Biển Động, An Châu (Bắc Giang), Như Xuân (Thanh Hoá), Quỳ Châu (Nghệ An)... Nguồn gốc ban đầu của ưu hợp này là rừng hỗn loài lá rộng có lim xanh tham gia vào tổ thành quần thể. Ngoài ra còn có các loài cây khác như trám (Canarium copalierum), Ràng ràng mít (Ormosia balansae), Lim xẹt (Peltophorum tonkinensis), các loại dẻ (Lithocarpus sp, Castanopsis sp), các loài re (Cinnamomum, Phoebe), Mí (Lysidice rhodostegia), Ngát (Gironniera subaequalis), Bứa (Garcinia bonii) Nếu được bảo vệ và nuôi dưỡng lâu dài, ưu hợp này có khả năng phục hồi lại trạng thái rừng ban đầu. Nếu tiếp tục bị khai thác, đất bị thoái hoá có kết vón đá ong sẽ làm tăng tỉ lệ loài cây rụng lá trong quần thể.
  • Ưu hợp Sau sau + Lim xanh (Liquidamba formosana + Erythrophoeum fordii)
Ưu hợp này được phát hiện ở Hữu Lũng (Lạng Sơn), Biển Động, An Châu (Bắc Giang) Có thể coi đây là một trong những vùng trung tâm phân bố của Lim xanh (Erythrophoeum fordii Olive) ở Việt Nam. Trong những năm 60 của thế kỉ 20, nơi đây đã từng có những cánh rừng Lim xanh tự nhiên gần như thuần loài, đường kính to đến 1 - 1,2 m (Phùng Ngọc Lan, 1962). Rất tiếc là con người đã xoá đi những "di sản thiên nhiên" quý báu của thảm thực vật cổ xưa. Nguồn gốc của ưu hợp này là rừng hỗn giao lá rộng thường xanh. Qua khai thác nhiều lần biến thành trảng cây bụi, trảng cỏ guột. Tại đây, bắt đầu xuất hiện những loài cây có khả năng chống lửa cao như Hoắc quang (Wendlandia paniculata), Thầu tấu (Aporosa sp), sau đó là tái sinh Sau sau (Liquidamba formosana) và hình thành nên quần thể rừng sau sau thuần loài, một loài cây rụng lá điển hình ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Sau sau là loài cây ưa sáng, tán thưa, độ tàn che của rừng khoảng 0,4 - 0,5 rất thích hợp cho tái sinh của loài lim xanh. Một thế hệ cây Lim xanh mới được hình thành dưới tán rừng sau sau và tham gia vào tổ thành của rừng sau này. Ngoài ra, còn có các loài cây hỗn giao lá rộng khác như Kháo (Phoebe sp.), Re (Cinnamomum sp.), Dẻ gai (Castanopsis sp.), Dẻ đá (Lithocarpus sp.).
Những ưu hợp hình thành sau khai thác chọn cần phải được "đóng cửa rừng", nuôi dưỡng để rừng phục hồi lại trạng thái rừng ban đầu.

Tác động tích cực của con người[sửa]

Con người tác động đến kiểu hệ sinh thái rừng này thông qua trồng rừng mới như mỡ, bồ đề, bạch đàn, thông... Ngoài ra còn tiến hành tra dặm làm giàu rừng bằng những loài cây bản địa có giá trị kinh tế