Đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông/Phương pháp nghiên cứu trường hợp

Tủ sách mở Wikibooks

2.3.1. Khái niệm và đặc điểm[sửa]

Phương pháp nghiên cứu trường hợp (PPNCTH) trong giáo dục và đào tạo có nguồn gốc từ đầu thế kỷ 20. Từ năm 1908 ở trường thương mại Harvard ở Boston (Mỹ) đã sử dụng trong việc đào tạo các nhà kinh tế xí nghiệp, với mục đích chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên vào thực tiễn nghề nghiệp. Trong dạy học theo trường hợp, thay vì trình bày lý thuyết, người ta bàn thảo về những trường hợp cụ thể trong thực tiễn. Như vậy PPNCTH trường hợp là một PP dạy học, trong đó trọng tâm của quá trình dạy học là việc phân tích và giải quyết các vấn đề của một trường hợp (tình huống) được lựa chọn trong thực tiễn.

Phương pháp nghiên cứu trường hợp là một PPDH, trong đó HS tự lực nghiên cứu một tình huống thực tiễn và giải quyết các vấn đề của tình huống đặt ra, hình thức làm việc chủ yếu là làm việc nhóm. PP trường hợp là PP điển hình của DH theo tình huống và DH giải quyết vấn đề.

PPNCTH đề cập đến một tình huống từ thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp, tình huống đó đã gặp hoặc có thể gặp trong cuộc sống và công việc nghề nghiệp hàng ngày. Những tình huống đó chứa đựng vấn đề cần giải quyết. Để giải quyết các vấn đề đó đòi hỏi có những quyết định dựa trên cơ sở lập luận. Các trường hợp cần được xử lý về mặt lý luận dạy học. Bên cạnh việc mô tả trường hợp (mô tả sự kiện) cần có sự lý giải, phân tích về mặt lý luận dạy học, dưới dạng những định hướng, trợ giúp cho việc dạy và học phù hợp với mục đích đặt ra.

Có thể đưa ra những đặc điểm sau đây của PP trường hợp:

  • Trường hợp được rút ra từ thực tiễn dạy học hoặc phản ánh một tình huống thực tiễn dạy học. Do đó một trường hợp thường mang tính phức hợp.
  • Mục đích hàng đầu của PP trường hợp không phải là việc truyền thụ tri thức lý thuyết mà là việc vận dụng tri thức vào việc giải quyết vấn đề trong những tình huống cụ thể.
  • HS được đặt trước những tình huống cần quyết định, họ cần xây dựng các phương án giải quyết vấn đề cũng như đánh giá các phương án đó, để quyết định một phương án giải quyết vấn đề.
  • Học viên cần xác định những phương hướng hành động có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra quyết định.

2.3.2. Các dạng phương pháp nghiên cứu trường hợp[sửa]

Cùng với sự phát triển của PPNCTH, có nhiều dạng trường hợp khác nhau  được xây dựng, chúng khác nhau ở quy mô và tính chất của vấn đề được mô tả cũng như trọng tâm của nhiệm vụ khi nghiên cứu trường hợp. Có trường hợp trọng tâm là việc phát hiện vấn đề, hoặc trọng tâm là việc giải quyết vấn đề, hay trọng tâm là việc đánh giá, phê phán cách giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Sau đây là bảng tóm tắt một số dạng trường hợp.

Dạng PP/Bước Nhận biết vấn đề Chiếm lĩnh thông tin Tìm các phương án giải quyết vấn đề/Quyết định Phê phán cách giải quyết
Trường hợp tìm vấn đề Trọng tâm: Cần phát hiện các vấn đề ẩn (tức vấn đề chưa được nêu rõ). Thông tin được cho trước nhiều; trong đó có cả các thông tin nhiễu. Tìm các phương án giải quyết vấn đề đã phát hiện, quyết định phương án giải quyết. So sánh phương án giải quyết vấn đề với quyết định trong thực tế.
Trường hợp giải quyết vấn đề Các vấn đề đã được nêu rõ trong trường hợp. Thông tin được cung cấp đầy đủ. Trọng tâm: Tìm các phương án giải quyết và quyết định phương án giải quyết vấn đề. So sánh phương án giải quyết vấn đề với phương án thực tế.
Trường hợp tìm thông tin Thông tin chưa được đưa ra đầy đủ trong khi mô tả trường hợp. Trọng tâm: Tự thu thập thông tin cho việc giải quyết VĐ. Tìm các phương án giải quyết và quyết định phương án giải quyết trường hợp.
Trường hợp đánh giá phương án giải quyết vấn đề Các vấn đề đã được đưa ra. Các thông tin đã được cung cấp. Phương án giải quyết cũng đã được đưa ra. Người học cần tìm những phương án thay thế khác. Trọng tâm: Phê phán phương án giải quyết đã đưa ra trước.

2.3.3.  Tiến trình thực hiện[sửa]

Tiến trình các giai đoạn được trình bày sau đây là tiến trình lý tưởng của PPNCTH. Trong thực tiễn vận dụng có thể linh hoạt, chẳng hạn có những giai đoạn được rút gọn, kéo dài hơn hoặc bỏ qua tuỳ theo các trưòng hợp cụ thể.

Các giai đoạn Mục đích
1. Nhận biết trường hợp: Làm quen với trường hợp. Nắm được vấn đề và tình huống cần quyết định. Tự nhận biết các mối quan hệ về chuyên môn.
2. Thu thập thông tin: Thu thập thông tin về trường hợp từ các tài liệu sẵn có và tự tìm. Học cách tự lực thu thập thông tin, hệ thống hoá và đánh giá thông tin.
3. Nghiên cứu, tìm các phương án giải quyết: Tìm các phương án giải quyết và thảo luận (tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát, điều tra). Phát triển tư duy sáng tạo, tư duy theo nhiều hướng, làm việc trong nhóm, hiểu các ý kiến khác nhau, biết trình bày ý kiến trong nhóm.
4. Quyết định: Quyết định trong nhóm về phương án giải quyết. Đối chiếu và đánh giá các phương án giải quyết trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá đã được lập luận.
5. Bảo vệ: Các nhóm lập luận và bảo vệ quyết định của nhóm. Bảo vệ các quyết định với những luận cứ rõ ràng, trình bày các quan điểm một cách rõ ràng, phát hiện các điểm yếu trong các lập luận.
6. So sánh: So sánh các phương án giải quyết của nhóm với các quyết định trong thực tế. Cân nhắc mối quan hệ theo các phương án giải quyết khác nhau; Việc quyết định luôn liên quan đến các tình huống, điều kiện, thời gian cụ thể.

2.3.4. Ưu điểm và nhược điểm[sửa]

Ưu điểm[sửa]

  • Việc sử dụng PPNCTH tạo điều kiện cho việc xây dựng các tình huống nhằm gắn lý thuyết với thực tiễn.
  • Tích cực hoá động cơ của người học.
  • PPNCTH yêu cầu có sự cộng tác làm việc và thảo luận trong nhóm. Trọng tâm của làm việc nhóm là quá trình giao tiếp xã hội và quá trình cùng quyết định trong nhóm
  • PPNCTH tạo điều kiện phát triển các năng lực then chốt chung, như năng lực quyết định, năng lực giải quyết vấn đề, tư duy hệ thống, tính sáng tạo, khả năng giao tiếp và cộng tác làm việc.   

Cần phân biệt rằng việc sử dụng các trường hợp làm ví dụ minh hoạ cho giờ học thuyết trình không phải là PPNCTH, mà chỉ là ví dụ minh hoạ. PPNCTH cần bao gồm việc tự lực giải quyết vấn đề và góp phần phát triển tư duy tích cực - sáng tạo của học sinh

Nhược điểm[sửa]

  • PPNCTH đòi hỏi nhiều thời gian, thích hợp cho việc vận dụng nhưng không thích hợp với việc truyền thụ tri thức mới một cách hệ thống.
  • Đòi hỏi cao đối với GV: nhiệm vụ truyền thụ tri thức của GV là thứ yếu. GV cần biết làm việc với tư cách là người điều phối và tổ chức quá trình học tập.  
  • Đòi hỏi cao đối người học: hình thức học quen thuộc là lĩnh hội tri thức được sắp xếp sẵn một cách hệ thống từ GV không còn thích hợp. HS cần biết vận dụng tri thức một cách tự lực và  thường có khó khăn trong việc tự lực với mức độ cao.

2.3.5. Cách xây dựng trường hợp và yêu cầu đối với trường hợp[sửa]

Các trường hợp được lựa chọn từ những tình huống thực tiễn, hoặc những tình huống có thể xảy ra. Khi xây dựng một trường hợp cần bao gồm những nội dung sau:

  • Phần mô tả trường hợp: các trường hợp cần được mô tả rõ ràng và cần thực hiện các chức năng lý luận dạy học sau:
    • Trường hợp cần chứa đựng vấn đề và có xung đột
    • Trường hợp cần có nhiều cách giải quyết
    • Trường hợp cần tạo điều kiện cho người học có thể trình bày theo cách nhìn của mình
    • Trường hợp cần vừa sức, phù hợp với điều kiện thời gian và người học có thể giải quyết được trên cơ sở kiến thức và kỹ năng của họ
  • Phần nhiệm vụ: xác định những nhiệm vụ HS cần giải quyết khi nghiên cứu trường hợp. Các nhiệm vụ cần xác định rõ ràng, vừa sức với HS và nhằm đạt mục tiêu của bài học.
  • Phần yêu cầu về kết quả: phần này đưa ra những yêu cầu cần thực hiện được trong khi nghiên cứu trường hợp. Việc đưa ra những yêu cầu nhằm định hướng cho việc nghiên cứu trường hợp.