Đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông/Khái niệm và mô hình cấu trúc của phương pháp dạy học

Tủ sách mở Wikibooks

Phương pháp dạy học (viết tắt: PPDH) là khái niệm cơ bản của lý luận dạy học, là "công cụ" quan trọng hàng đầu, và cũng rất phức tạp của nghề dạy học. Từ hàng trăm năm nay người ta đã bàn đến khái niệm này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề trong cách định nghĩa, phân loại cũng như về mô hình cấu trúc của PPDH chưa có sự thống nhất.

1.6.1. Khái niệm phương pháp dạy học[sửa]

Thuật ngữ phương pháp (PP) bắt nguồn từ tiếng Hy lạp (methodos) có nghĩa là con đường đi đến mục đích. Theo đó, PPDH là con đường để đạt mục đích dạy học. PPDH là cách thức hành động của GV (GV) và HS (HS) trong quá trình dạy học. Cách thức hành động bao giờ cũng diễn ra trong những hình thức cụ thể. Cách thức và hình thức không tách nhau một cách độc lập. Cho đến nay không có sự thống nhất về định nghĩa PPDH. Sau đây là một định nghĩa rộng về PPDH:

PPDH là những hình thức và cách thức hoạt động của GV và HS trong những điều kiện dạy học xác định nhằm đạt mục đích dạy học.

PPDH là một khái niệm rất phức hợp, có nhiều bình diện, phương diện khác nhau. Có thể nêu ra một số đặc điểm của PPDH như sau:

  • PPDH định hướng thực hiện mục tiêu dạy học;
  • PPDH là sự thống nhất của PP dạy và PP học;
  • PPDH thực hiện thống nhất chức năng đào tạo và giáo dục;
  • PPDH là sự thống nhất của logic nội dung dạy học và logic tâm lý nhận thức;
  • PPDH có mặt bên ngoài và bên trong;
  • PPDH có mặt khách quan và mặt chủ quan;
  • PPDH là sự thống nhất của cách thức hành động và phương tiện dạy học (PTDH).

Trong những nghiên cứu mới về dạy học, lý thuyết kiến tạo được đặc biệt chú ý, trong đó có việc tạo môi trường học tập thích hợp. Mặt khác định hướng chung của việc đổi mới giáo dục giáo dục là chú trọng việc hình thành năng lực cho HS. Theo đó, có thể hiểu:

PPDH là những hình thức và cách thức hoạt động của GV và HS trong những môi trường dạy học được chuẩn bị, nhằm đạt mục đích dạy học, phát triển các năng lực của cá nhân.

Do tính phức hợp của khái niệm PPDH nên việc phân loại và mô tả cấu trúc của khái niệm PPDH rất khác nhau và theo nhiều bình diện khác nhau. Sau đây là một số mô hình cấu trúc PPDH theo nghĩa rộng và phương pháp luận dạy học.

1.6.2. Mô hình cấu trúc hai mặt của phương pháp dạy học[sửa]

Dựa theo Lothar Klingberg có thể mô tả cấu trúc của PPDH theo mặt bên ngoài và bên trong.

a) Mặt bên ngoài của PPDH[sửa]

Mặt bên ngoài của PPDH là những hình thức bên ngoài của hoạt động của GV và HS trong dạy học, có thể dễ dàng nhận biết ngay khi quan sát giờ học. Mặt bên ngoài của PPDH bao gồm:

  • Các hình thức cơ bản của PPDH: DH thông báo (thuyết trình, biểu diễn trực quan, làm mẫu); cùng làm việc (các PP đàm thoại); làm việc tự lực của HS.
  • Các hình thức hợp tác (hình thức xã hội của PPDH): dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, học nhóm đôi và làm việc cá thể.

b) Mặt bên trong của PPDH[sửa]

Mặt bên trong của PPDH là những thành phần không dễ dàng nhận biết ngay thông qua việc quan sát giờ dạy mà cần có sự quan sát kỹ và phân tích để nhận biết chúng. Mặt bên trong của PPDH bao gồm:

  • Tiến trình dạy học: các bước của quá trình dạy học.
  • Các phương pháp logic: trong các PPDH có thể sử dụng những PP và thao tác 1ôgic nhận thức khác nhau, ví dụ: phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hoá, khái quát hoá, cụ thể hoá, phân loại.
  • Các kiểu PPDH:
    • Giải thích – minh hoạ: GV thông báo tri thức thông qua giải thích và minh hoạ, HS tiếp thu thụ động, PPDH chủ yếu là thuyết trình.
    • Làm mẫu – tái tạo (làm mẫu – bắt chước): GV làm mẫu các thao tác, HS làm theo mẫu, PPDH chủ yếu là luyện tập.
    • Algorit hoá: Quá trình học tập được thiết kế theo các bước đã được lập trình sẵn, học sinh thực hiện các thao tác học tập theo quy trình đã được thiết kế trước
    • Khám phá – phát hiện: HS tham gia tích cực, tự lực vào quá trình tìm tòi, khám phá tri thức (ví dụ thông qua đàm thoại gợi mở).
    • Giải quyết vấn đề - nghiên cứu: quá trình dạy học được tổ chức theo cấu trúc của quá trình giải quyết vấn đề, nghiên cứu. Sự tham gia của HS ở những mức độ tự lực khác nhau, ở mức độ cao nhất là tự lực nhận biết và giải quyết vấn đề.

1.6.3. Mô hình các thành tố cơ bản của phương pháp dạy học[sửa]

Dựa theo Hilbert Meyer có thể mô tả cấu trúc PPDH theo 5 thành tố cơ bản trên cơ sở phân tích cấu trúc của quy trình dạy học (QTDH).

a) Tình huống hành động[sửa]

Tình huống hành động là những tình huống dạy học vi mô, các đơn vị hành động PP của GV và HS diễn ra trong một thời gian ngắn, theo một cấu trúc xác định trong quá trình dạy học, nhằm thực hiện một nhiệm vụ và có kết quả cụ thể. Các tình huống hành động được thực hiện thông qua các kỹ thuật hành động PPDH, gọi là kỹ thuật dạy học (KTDH). Một tình huống hành động thường chỉ kéo dài mấy giây đến mấy phút. Ví dụ các tình huống hành động: đặt câu hỏi và trả lời, trình bày một nhiệm vụ, đưa ra một lời khen, làm mẫu một thao tác, v.v.

b) Mô hình hành động[sửa]

Mô hình hành động PP mô tả cấu trúc cách thức hoạt động của GV và HS trong một quá trình dạy học cụ thể. Các mô hình hành động quy định cấu trúc nội dung và PP của một QTDH, một giờ học cụ thể, chúng có điểm khởi đầu và điểm kết thúc với kết quả xác định, có thể kéo dài một số phút đến vài giờ. Có thể coi mô hình hành động là những PPDH cụ thể, phù hợp với những nội dung dạy học xác định, ví dụ thuyết trình, đàm thoại, luyện tập.

c) Tiến trình dạy học[sửa]

Mỗi PPDH có những bước cấu trúc khác nhau, cũng như mỗi bài học thực hiện những chức năng LLDH khác nhau. Tiến trình dạy học còn được gọi là các bước dạy học hay tiến trình PP, quy trình dạy học. Tiến trình dạy học mô tả cấu trúc của quá trình dạy học theo một trình tự xác định của các bước dạy học, quy định tiến trình thời gian, tiến trình logic hành động. Các bước chung nhất của tiến trình dạy học là mở đầu, thực hiện, kết thúc. Tiến trình dạy học của bài lên lớp là: nhập đề, xác định mục đích, làm việc với tài liệu mới, củng cố, luyện tập, kiểm tra, đánh giá.

d) Hình thức xã hội[sửa]

Hình thức xã hội còn gọi là hình thức hợp tác của PPDH, hoặc các hình thức tổ chức dạy học (về phương diện hợp tác). Đó là các hình thức tổ chức cộng tác làm việc của GV và HS, bao gồm bốn hình thức cơ bản là: dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, học nhóm đôi và làm việc cá thể. Các hình thức hợp tác chi phối cấu trúc các mối quan hệ, cấu trúc giao tiếp của GV và HS.

e) Hình thức dạy học lớn[sửa]

Hình thức dạy học lớn còn gọi là các hình thức tổ chức dạy học (HTTCDH), là một yếu tố bên ngoài của PPDH. Đó là những hình thức lớn của hoạt động dạy học, được tổ chức theo những cấu trúc xác định nhằm thực hiện các nhiệm vụ dạy học. Trong một HTTCDH có thể có nhiều PPDH cụ thể và nhiều hình thức xã hội khác nhau. Có nhiều quan niệm phân loại các HTTCDH khác nhau, có thể kể ra các HTTCDH như: hình thức lên lớp, thảo luận, tham quan, luyên tập, thực tập, dạy học theo dự án, làm việc tự do. Hilbert Meier đưa ra 4 hình thức dạy học lớn: dạy học theo bài học (bao gồm các hình thức như bài lên lớp lý thuyết, bài luyện tập, thảo luận, tham quan...); dạy học theo dự án, làm việc tự do và hình thức phối hợp.

Các khái niệm trên có mối quan hệ chặt chẽ và có thể sắp xếp trong ba bình diện: Bình diện vĩ mô là các HTTCDH. Bình diện trung gian là các thành phần: mô hình hành động, tiến trình PP và các hình thức xã hội. Bình diện vi mô là các tình huống hành động.

1.6.4. Mô hình quan điểm dạy học – phương pháp dạy học – kỹ thuật dạy học[sửa]

a. Quan điểm dạy học[sửa]

Quan điểm dạy học (QĐDH) là những định hướng tổng thể cho các hành động PP, trong đó có sự kết hợp giữa các nguyên tắc dạy học làm nền tảng, những cơ sở lý thuyết của LLDH đại cương hay chuyên ngành, những điều kiện dạy học và tổ chức cũng như như những định hướng về vai trò của GV và HS trong quá trình DH. QĐDH là những định hướng mang tính chiến lược dài hạn, có tính cương lĩnh, là mô hình lý thuyết của PPDH. Tuy nhiên các quan điểm dạy học chưa đưa ra những mô hình hành động cũng như những hình thức xã hội cụ thể cho hành động PP, do đó chưa phải các PPDH cụ thể. Có thể kể ra các quan điểm dạy học (QĐDH) như: DH giải thích - minh hoạ, DH kế thừa, dạy học giải quyết vấn đề, DH khám phá, DH nghiên cứu, DH định hướng hành động, DH định hướng HS, DH theo tình huống, DH tổng thể, DH gắn với kinh nghiệm, DH định hướng mục tiêu, DH giao tiếp, DH mở, v.v. Ngoài ra trong các môn còn có những QĐDH đặc thù.

b. Phương pháp dạy học[sửa]

Khái niệm PPDH ở đây được hiểu với nghĩa hẹp, đó là các PPDH cụ thể, các mô hình hành động. PPDH là những hình thức, cách thức hành động của GV và HS nhằm thực hiện những mục tiêu DH xác định, phù hợp với những nội dung và những điều kiện DH cụ thể. PPDH cụ thể quy định những mô hình hành động của GV và HS. Người ta ước tính có tới hàng trăm PPDH cụ thể, bao gồm những PP chung cho nhiều môn và các PP đặc thù bộ môn. Bên cạnh các PPDH truyền thống quen thuộc như thuyết trình, đàm thoại, biểu diễn trực quan, làm mẫu, có thể kể ra một số PP khác như: PP nghiên cứu trường hợp, PP điều phối, PP đóng vai, v.v. Sau đây là bảng liệt kê một số PPDH:

Một vài PPDH
Thuyết trình Mô phỏng
Đàm thoại Thảo luận
Làm mẫu Trò chơi
Đóng vai Thực nghiệm
... ...

c. Kỹ thuật dạy học[sửa]

Kỹ thuật dạy học (KTDH) là những động tác, cách thức hành động của của GV và HS trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Các KTDH chưa phải là các PPDH độc lập. Các KTDH vô cùng phong phú về số lượng, có thể tới hàng ngàn. Bên cạnh những KTDH thông thường, ngày nay người ta đặc biệt chú trọng các KTDH phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học. Phần này sẽ được làm rõ ở Phần 2 mục 6 Một số kỹ thuật dạy học tích cực.

QĐDH là khái niệm rộng, định hướng cho việc lựa chọn các PPDH cụ thể. Các PPDH là khái niệm hẹp hơn, đưa ra mô hình hành động. KTDH là khái niệm nhỏ nhất, thực hiện các tình huống hành động. Một QĐDH có những PPDH phù hợp, một PPDH cụ thể có các KTDH đặc thù. Tuy nhiên có những PP phù hợp với nhiều QĐDH, cũng như những KTĐH dùng trong nhiều PP khác nhau. Việc phân biệt giữa các QĐ DH, PPDH, KTDH mang tính tương đối. Trong mô hình này thường không có sự phân biệt giữa phương pháp dạy học và hình thức dạy học.

1.6.5. Mô hình tổng hợp[sửa]

Để thuận lợi cho sự vận dụng, sau đây là sự tổng hợp các mô hình nêu trên. Cấu trúc của PPDH theo nghĩa rộng bao gồm 3 bình diện:

a. Bình diện vĩ mô[sửa]

Bình diện vĩ mô là các QĐDH và các hình thức dạy học lớn (HTTCDH). Các QĐDH định hướng tổng thể cho việc lựa chọn và thiết kế PPDH cụ thể. Các HTTCDH quy định các điều kiện khung về mặt tổ chức của PPDH.

b. Bình diện trung gian[sửa]

Trung tâm của bình diện này là các PPDH cụ thể, đó là các mô hình hành động PP của GV và HS. Các PPDH cụ thể được thể hiện trong các hình thức xã hội và theo tiến trình các bước dạy học xác định. Các thành phần của bình diện này có mặt bên trong và mặt bên ngoài của chúng.

c. Bình diện vi mô[sửa]

KTDH là bình diện vi mô, bình diện nhỏ nhất của PPDH. Cần phân biệt khái niệm KTDH ở đây không phải khái niệm KT vật chất mà thuộc phạm trù PPDH. Mặt khác, PPDH có mối quan hệ đặc biệt với phương tiện dạy học. Bản thân phương tiện dạy học chưa phải là PPDH, nhưng hành động sử dụng phương tiện là hành động PPDH. Vì vậy trong mô hình này, kỹ thuật sử dụng phương tiện dạy học được đưa vào nhằm thể hiện mối quan hệ đặc biệt của PPDH và phương tiện dạy học.

Các mô hình cấu trúc PPDH cho thấy khái niệm PPDH rất phức hợp. PPDH được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. PPDH nghĩa rộng có nhiều bình diện, phương diện với mức độ rộng hẹp khác nhau, từ các QĐDH hay HTDH lớn, tới các KTDH rất nhỏ, và không phải bao giờ cũng hoàn toàn phân biệt với nhau. Đó cũng là nguyên nhân của sự không thống nhất trong việc phân loại hay gọi tên các PPDH và HTDH. Ngoài ra người ta còn phân loại PPDH theo rất nhiều cơ sở phân loại khác nhau. Tuy nhiên việc phân chia các bình diện hay phân loại PPDH cũng chỉ mang tính tương đối, không thể tìm được một bảng phân loại PPDH có hệ thống rõ ràng như việc sắp xếp các nguyên tố hoá học. Trong thực tiễn, nhiều khi người ta dùng chung khái niệm PPDH cho các bình diện, phương diện khác nhau vì chúng đều thuộc phạm trù PPDH. Ví dụ các khái niệm: "PP dạy học tích cực'', "PPDH lấy HS làm trung tâm'', "PPDH nêu vấn đề" không phải các PPDH cụ thể, đó là các QĐDH. Các hình thức dạy học như tham quan, thực hành cũng được gọi là "PP tham quan'', "PP thực hành''. Khi đó cần hiểu đây là những PPDH "lớn'', PP vĩ mô, thuộc bình diện vĩ mô. Các KTDH đôi khi cũng được gọi là PPDH, khi đó có thể hiểu đó là các PP "nhỏ'", PP vi mô, thuộc bình diện vi mô.