Đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông/Dạy học giải quyết vấn đề

Tủ sách mở Wikibooks

Dạy học giải quyết vấn đề (DHGQVĐ) là con đường quan trọng để phát huy tính tích cực của HS. Quan điểm dạy học này không xa lạ ở Việt Nam và đã được trình bày trong hầu hết các giáo trình về PPDH đại cương và bộ môn. Bài này trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản của DHGQVĐ nhằm làm cơ sở cho những PPDH phát huy tính tích cực tiếp theo sau.

2.2.1. Khái niệm vấn đề và dạy học giải quyết vấn đề[sửa]

Vấn đề là những câu hỏi hay nhiệm vụ đặt ra mà việc giải quyết chúng chưa có quy luật sẵn cũng như những tri thức, kỹ năng sẵn có chưa đủ giải quyết mà còn khó khăn, cản trở cần vượt qua. Một vấn đề được đặc trưng bởi ba thành phần:

  • Trạng thái xuất phát: không mong muốn
  • Trạng thái đích: trạng thái mong muốn
  • Giữa 2 trạng thái là sự cản trở

Vấn đề khác với nhiệm vụ thông thường ở chỗ khi giải quyết một nhiệm vụ thì đã có sẵn trình tự và cách thức giải quyết, cũng như những kiến thức kỹ năng đã có đủ để giải quyết nhiệm vụ đó. Tình huống có vấn đề xuất hiện khi một cá nhân đứng trước một mục đích muốn đạt tới, nhận biết một nhiệm vụ cần giải quyết nhưng chưa biết bằng cách nào, chưa đủ phương tiện (tri thức, kỹ năng…) để giải quyết.

Dạy học giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở lý thuyết nhận thức. Theo quan điểm của tâm lý học nhận thức, giải quyết vấn đề có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển tư duy và nhận thức của con người. "Tư duy chỉ bắt đầu khi xuất hiện tình huống có vấn đề" (theo Rubinstein). Vì vậy theo quan điểm dạy học giải quyết vấn đề, quá trình dạy học được tổ chức thông qua việc giải quyết các vấn đề.

Dạy học giải quyết vấn đề là một QĐDH nhằm phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề của HS. HS được đặt trong một tình huống có vấn đề, thông qua việc giải quyết vấn đề đó giúp HS lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức.

Có nhiều quan niệm cũng như tên gọi khác nhau đối với dạy học giải quyết vấn đề như  dạy học nêu vấn đề, dạy học nhận biết và giải quyết vấn đề v.v. Mục tiêu cơ bản của dạy học giải quyết vấn đề nhằm rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề, tất nhiên trong đó cần bao gồm khả năng nhận biết, phát hiện vấn đề. DHGQVĐ không phải là một PPDH cụ thể mà là một quan điểm dạy học.

2.2.2. Cấu trúc của quá trình giải quyết vấn đề[sửa]

Cấu trúc quá trình giải quyết vấn đề có thể mô tả qua các bước cơ bản sau đây:

Bước 1. Nhận biết vấn đề[sửa]

Trong bước này cần phân tích tình huống đặt ra, nhằm nhận biết được vấn đề. Trong dạy học thì đó là cần đặt HS vào tình huống có vấn đề. Vấn đề cần được trình bày rõ ràng, còn gọi là phát biểu vấn đề.

Bước 2. Tìm các phương án giải quyết[sửa]

Nhiệm vụ của bước này là tìm các phương án khác nhau để giải quyết vấn đề. Để tìm các phương án giải quyết vấn đề, cần so sánh, liên hệ với những cách giải quyết các vấn đề tương tự đã biết cũng như tìm các phương án giải quyết mới. Các phương án giải quyết đã tìm ra cần được sắp xếp, hệ thống hoá để xử lý ở giai đoạn tiếp theo. Khi có khó khăn hoặc không tìm được phương án giải quyết thì cần trở lại việc nhận biết vấn đề để kiểm tra lại việc nhận biết và hiểu vấn đề.

Bước 3: Quyết định phương án giải quyết[sửa]

Trong bước này cần quyết định phương án giải quyết vấn đề, tức là cần giải quyết vấn đề. Các phương án giải quyết đã được tìm ra cần được phân tích, so sánh và đánh giá xem có thực hiện được việc giải quyết vấn đề hay không. Nếu có nhiều phương án có thể giải quyết thì cần so sánh để xác định phương án tối ưu. Nếu việc kiểm tra các phương án đã đề xuất đưa đến kết quả là không giải quyết được vấn đề thì cần trở lại giai đoạn tìm kiếm phương án giải quyết mới. Khi đã quyết định được phương án thích hợp, giải quyết được vấn đề tức là đã kết thúc việc giải quyết vấn đề.

Đó là 3 giai đoạn cơ bản của quá trình giải quyết vấn đề. Trong DHGQVĐ, sau khi kết thúc việc giải quyết vấn đề có thể luyện tập vận dụng cách giải quyết vấn đề trong những tình huống khác nhau.

Trong các tài liệu về DHGQVĐ người ta đưa ra nhiều mô hình cấu trúc gồm nhiều bước khác nhau của DHGQVĐ, ví dụ cấu trúc 4 bước sau:

  • Tạo tình huống có vấn đề (nhận biết vấn đề)
  • Lập kế hoạch giải quyết (tìm phương án giải quyết)
  • Thực hiện kế hoạch (giải quyết vấn đề)
  • Vận dụng (vận dụng cách GQVĐ trong những tình huống khác nhau)

2.2.3. Vận dụng dạy học giải quyết vấn đề[sửa]

DHGQVĐ không phải một PPDH cụ thể mà là một quan điểm dạy học, nên có thể vận dụng trong hầu hết các hình thức và PPDH. Trong các phương pháp dạy học truyền thống cũng có thể áp dụng thuận lợi quan điểm DHGQVĐ như thuyết trình, đàm thoại để giải quyết vấn đề. Về mức độ tự lực của HS cũng có rất nhiều mức độ khác nhau. Mức độ thấp nhất là GV thuyết trình theo quan điểm DHGQVĐ, nhưng toàn bộ các bước trình bày vấn đề, tìm phương án giải quyết và giải quyết vấn đề đều do GV thực hiện, HS tiếp thu như một mẫu mực về cách GQVĐ. Các mức độ cao hơn là HS tham gia từng phần vào các bước GQVĐ. Mức độ cao nhất là HS độc lập giải quyết vấn đề, thực hiện tất cả các bước của GQVĐ, chẳng hạn thông qua thảo luận nhóm để GQVĐ, thông qua thực nghiệm, nghiên cứu các trường hợp, thực hiện các dự án để GQVĐ.