Kỹ thuật xây gạch đá/Yêu cầu kỹ thuật trong công việc xây

Tủ sách mở Wikibooks

Các yêu cầu kỹ thuật chung của công tác xây[sửa]

Khối xây không bị trùng mạch[sửa]

Trùng mạch là hiện tượng các mạch vữa đứng trong các lớp xây liên tiếp nối liền với nhau thành một tuyến thẳng hàng hoặc gần như thẳng hàng, dọc theo phương tác dụng của tải trọng nén, mà phương này thường vuông góc với lớp xây.

Trùng mạch làm khối xây bị chia tách thành các chồng gạch đá riêng lẻ, nằm kẹp hai bên mỗi dải mạch đứng, và có độ mảnh kết cấu rất lớn theo phương chịu lực nén, mà không có sự liên kết giữa các chồng gạch đá đó với nhau trong khi xây. Khả năng chịu lực của khối xây trùng mạch bị yếu đi rất nhiều so với không trùng mạch, kể cả khi vữa đã có cường độ, thậm chí có thể bị sụp đổ do mất ổn định. Muốn khắc phục người ta phải tạo ra các viên khóa nằm trong các lớp xen kẽ, để liên kết hai phần khối xây ở hai bên dãy mạch đứng và phá vỡ sự liên tục của dãy mạch đứng này.

Xử lý hiện tượng trùng mạch bằng cách ngắt sự nối liền các mạch vữa đứng bởi những viên gạch đá khóa mạch. Dọc theo phương tải trọng nén, thỉnh thoảng hay thường xuyên dùng những viên khóa mạch đặt vắt ngang qua bên trên mỗi mạch vữa đứng lớp dưới (chiều kích thước của viên khóa mạch, vuông góc với mạch đứng, được đặt vắt qua mỗi bên mạch đứng cần khóa một nửa), ngắt dòng mạch đứng ra. Các viên khóa mạch của một lớp ngay bên dưới tập hợp thành lớp trên, với tất cả các mạch vữa đứng lớp trong nó nằm so le với mạch vữa đứng lớp dưới.

Đối với mạch vữa đứng dọc (mạch dọc) có thể cho phép trùng mạch tới năm lớp, tuy nhiên không trùng mạch dọc vẫn là tốt nhất. Còn đối với mạch vữa đứng ngang (mạch ngang) thì không cho phép trùng mạch (mỗi lớp trên phải khóa ngay mọi mạch ngang của lớp dưới liền kề).

Chiều sâu liên kết của các viên khóa, vào mỗi phần khối xây, bằng 1/2 cạnh vuông góc với dãy mạch đứng của viên khóa mạch đó. Nếu một bên cắm nông hơn thì viên đó sẽ không thành viên khóa, dẫn tới liên kết này không đảm bảo, nên vẫn bị coi là trùng mạch. Đối với gạch chỉ, chiều sâu liên kết của các viên khóa là 1/4 bề dài gạch nguyên (= 1/2 bề ngang) khi bề dài nằm dọc mạch đứng, và 1/2 bề dài gạch nguyên khi bề dài viên khóa nằm ngang mạch đứng.

Các viên khóa mạch tập trung thành lớp gạch, có các mạch đứng so le với các mạch đứng lớp dưới 1/4-1/2 bề dài viên gạch. Như vậy, để không trùng mạch, khi xây phải chú ý đặt so le tất cả các mạch đứng của lớp xây trên với các mạch đứng của lớp dưới, một khoảng ≥ 1/4 bề dài viên gạch.

Như vậy, đối với gạch chỉ và tất cả các loại gạch có chiều dài gấp đôi chiều ngang giống như gạch chỉ, thì mọi viên gạch khóa mạch phải đặt vắt ngang qua mạch đứng cần khóa bên dưới, tối thiểu là 1/4 chiều dài viên gạch nguyên tức là nửa chiều ngang viên nguyên (coi như chiều ngang viên gạch nguyên khóa mạch vắt ngang qua mạch đứng). Trong trường hợp hàng gạch dọc khóa mạch đứng của hàng gạch dọc lớp kề bên dưới, thì đa số các mạch đứng phải được đặt so le một nửa chiều dài viên gach nguyên (vì chiều vắt ngang vuông góc với mạch đứng là chiều dài viên gạch), trừ những vị trí đặc biệt có thể cho phép lệch 1/4 chiều dài viên gạch như:

  • Tại trụ trong khối xây trụ liền tường,
  • Tại vị trí nhỡ gạch, do chiều dài bức tường kẹp giữa hai góc tường, không chẵn gạch, trong khối xây tường.

Mọi mạch vữa phải no đầy[sửa]

Vữa xây làm nhiệm vụ kết dính các viên gạch trong khối xây. Tất cả các mạch vữa trong khối xây phải được trèn đầy và ép ngoài cho chặt, nhất là mạch đứng. Nếu không đầy mạch, sẽ làm giảm yếu cục bộ khối xây. Tuy nhiên, cường độ vữa xây thường thấp hơn hay ngang bằng cường độ của gạch đá và lại phát triển dần theo thời gian (không có ngay được tại thời điểm thực hiện xây), nên mạch vữa quá dầy cũng làm yếu khối xây. Theo quy phạm thi công công tác xây của Việt Nam, thì mạch vữa trong khối xây gạch chỉ thường dầy 0,8-1,2 cm.

Khối xây phải thẳng đứng (về tổng thể)[sửa]

Khối xây chịu kéo và chịu uốn kém, nó chịu nén tốt nhất theo phương vuông góc với lớp xây của nó. Do chịu nén tốt, nên khối xây càng thẳng đứng thì nó chịu nén càng đúng tâm và càng đỡ mất ổn định hơn.

Trường hợp các khối xây có mặt bên nằm nghiêng, (không thẳng đứng) như các khối xây móng, khối xây đê, đập,..., để các khối xây này làm việc trong trạng thái chịu nén đúng tâm, thì chúng cần được xây rật cấp theo bậc thang thành các tiết diện tổng thể dạng hình thang cân, trên nhỏ dưới đế to, để hợp lực của tải trọng nén có điểm đặt trùng với trọng tâm chân đế các kết cấu xây đó.

Độ nghiêng của các bên và các góc yêu cầu thẳng đứng của khối xây, không được phép vượt quá 10 mm cho mỗi tầng nhà (cao 3-4 m), nhưng cho toàn nhà thì không được quá 30 mm. Kiểm tra độ nghiêng bằng dọi.

Mặt biên khối xây trùng mặt phẳng lèo, đảm bảo khối xây có hình dạng, kích thước theo thiết kế[sửa]

Vị trí (tim (trục định vị), cốt), hình dạng của khối xây cần tuân theo đúng bản vẽ thiết kế. Đầy đủ các lỗ chừa sẵn theo quy cách thiết kế hoặc biện pháp thi công.

Mặt bên khối xây dạng nổi và đứng (như khối xây tường, trụ) do đòi hỏi phải phẳng và thẳng đứng không lồi lõm cục bộ làm các khối xây này chịu lực tốt hơn, đồng thời đẹp hơn và tiết kiệm vật liệu và nhân công hoàn thiện.

Đảm bảo yêu cầu này bằng các dụng cụ định hướng: hệ lèo và dây xây: Mọi mặt biên khối xây đều phải được xác định bằng một mặt phẳng lèo (trừ khi các mặt biên liên hệ phụ thuộc nhau không liên quan tới cách xây thì có thể giảm bớt, ví dụ hai mặt bên tường đơn). Các mặt phẳng lèo phải nằm cách tim (trục định vị) khối xây nửa thân khối xây (đảm bảo ở vị trí biên). Vị trí góc cạnh khối xây phải có dây lèo (trừ các trường hợp mặt biên liên hệ nhau không phụ thuộc cách xây, như trụ liền tường xây lệch trụ), góc khối xây phải xây bám dây lèo đó.

Mặt trên mỗi lớp xây phải phẳng và ngang bằng[sửa]

Mặt trên lớp xây ngang bằng thì tải nén vào lớp xây không có thành phần gây trượt tách lớp.

Nếu lớp xây nằm nghiêng, mỗi viên gạch trong lớp đó sẽ chịu tác động bởi một tải trọng nén xiên so với mặt trên viên gach. Tải trọng này, phân thành hai lực thành phần, một theo phương vuông góc với mặt trên viên gạch, tạo nén tốt lên mạch vữa nằm và các lớp dưới (phát huy hết ưu điểm của kết cấu xây gạch đá), nhưng thành phần còn lại, hướng dọc theo mạch vữa nằm, gây hiện tượng trượt tách giữa các lớp xây, ảnh hưởng xấu tới kết cấu thống nhất của khối xây. Nếu các lớp xây ngang bằng thì thì tải trọng nén chỉ còn thành phần thứ nhất, khi đó phát huy được ưu điểm của kết cấu xây gạch đá, mà không phát sinh lực trượt không tốt giữa các lớp xây.

Trong kết cấu vòm (khối xây vòm) yêu cầu này được chuyển thành: lớp xây vòm phải vuông góc với phương tiếp tuyến với trục vòm tại mỗi vị trí (cũng tức là vuông góc với phương trục vòm).

Góc của các khối xây tường và trụ phải vuông[sửa]

Các loại khối xây thường có bề mặt nổi lên trên mặt đất, không bị khuất lấp, như khối xây tường, trụ,... cần được đảm bảo về mặt mỹ quan ngay trong khi thực hiện công tác xây. Các góc của các khối xây tường hay trụ cần phải vuông góc, để khi thực hiện các công tác hoàn thiện (lát, ốp,...), bề mặt lát nền hay ốp tường hoặc trụ được đẹp không méo tại vị trí các góc đó.